Ông Lại Văn Quang - Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết: "Hiện, Ban đang quản lý, bảo vệ trên 35.000 ha rừng tự nhiên phòng hộ, rừng tự nhiên sản xuất 2.228,25 ha, rừng trồng phòng hộ trên 8.001 ha, rừng trồng sản xuất trên 646 ha... với 5.623 hộ tham gia nhận khoán.
Để đảm bảo cho những cánh rừng luôn xanh tốt, phát huy hiệu quả về môi trường, kinh tế, không còn hiện tượng đốt, phá rừng làm nương rẫy, buôn bán trái phép lâm sản, Ban đã chú trọng tuyên truyền Luật Quản lý bảo vệ rừng, tập huấn, hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Đặc biệt chú trọng phân công cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn đến từng thôn, bản nơi có diện tích rừng đơn vị quản lý để khảo sát, đánh giá, nhận định những khu vực rừng trọng yếu có nguy cơ xảy ra cháy, điểm có nguy cơ khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản để xây dựng bổ sung, điều chỉnh phương án phòng, chống và bảo vệ rừng có hiệu quả”.
Với đặc thù là huyện vùng cao, có diện tích rừng lớn, trong khi nhận thức của một bộ phận nhân dân về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng còn nhiều hạn chế, nên các công việc như: phát dọn thực bì, hướng dẫn người dân đốt nương vào buổi sáng, lúc không có gió, làm đường ranh cản lửa; cùng với chính quyền địa phương các xã thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các tổ, đội bảo vệ rừng lập chòi canh gác lửa rừng, đóng bảng chỉ dẫn, biển cảnh báo ở những khu vực trọng điểm để ngăn chặn, phát hiện, ứng phó kịp thời khi rừng có nguy cơ bị xâm hại, bị cháy...
Ngoài ra, Ban còn chủ động phối hợp với chính quyền các xã có bãi thả gia súc trên diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ thực hiện ký cam kết mượn đất làm bãi thả gia súc, nhằm gắn trách nhiệm của người dân chăn thả gia súc với phòng chống cháy rừng.
Phối hợp chặt chẽ với tổ chức GIZ - BIO xây dựng phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 làm cơ sở thực hiện quản lý rừng theo quy định, góp phần khai thác tốt tiềm năng sẵn có của rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý, thúc đẩy cộng đồng dân cư sống gần rừng nêu cao ý thức, trách nhiệm đối với rừng; chia sẻ lợi ích với người dân tham gia bảo vệ rừng.
Cùng với bảo vệ rừng, công tác trồng rừng tập trung cũng được Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu chú trọng. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng diện tích rừng trồng đạt 2.762,4 ha, tăng 762,4 ha, vượt 38,1% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Ông Lại Văn Quang cho biết thêm: "Song hành với bảo vệ và chăm sóc rừng, Ban còn thực hiện Đề án phát triển cây sơn tra gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình hành động số 09 của Huyện ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Trọng tâm là việc quy hoạch mở rộng, phát triển diện tích cây sơn tra và cây chè Shan có hiệu quả. Hiện, tổng diện tích cây sơn tra toàn huyện có trên 4.093 ha, trong đó, trên 800 ha cho quả, sản lượng đạt từ 160 - 200 tấn/năm”.
Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ rừng; sản xuất cây giống lâm nghiệp các loại đạt trên 1,9 triệu cây tiêu chuẩn, trồng rừng tập trung 650 ha; khoanh nuôi, tái sinh rừng, làm giàu rừng 1.000 ha...
Văn Tuấn