Đồng thời, chuyển đổi đất thiếu chủ động về nước, đất trống và vùng trồng các loại cây hoa màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Quy hoạch thành vùng chuyên canh để tập trung đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Nhận thấy lợi ích của phát triển sản xuất hàng hóa, nông dân các xã, thị trấn quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Nhờ đó, các mô hình phát triển kinh tế đã được hình thành; các mặt hàng nông sản đã được mua bán, trao đổi thành sản phẩm hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu hợp lý theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp và thủy sản; trong đó, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Duy trì ổn định diện tích trồng cây lương thực, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 ước đạt 57.400 tấn, vượt 6,3% nghị quyết. Hàng năm, duy trì hiệu quả 750 ha đất trồng cây vụ ba trên đất hai vụ lúa. Hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa: vùng trồng cây ăn quả có múi đạt 872 ha; vùng trồng tre măng đạt 750 ha; vùng lúa hàng hóa trên 500 ha; vùng trồng quế đạt 4.000 ha; vùng lạc đạt 1.000 ha; xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm Cam Lục Yên và vịt bầu; triển khai thực hiện hiệu quả 10/15 ngành hàng, sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quan trọng; khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm như: lúa, ngô, cây ăn quả, rau củ các loại, lợn, gà, vịt, trâu, bò, gỗ nguyên liệu...
Xây dựng được 280 cơ sở chăn nuôi tập trung, tăng 2,3 lần so với năm 2015; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại năm 2020 ước đạt 9.000 tấn, tăng 32,3% so với năm 2015; duy trì hiệu quả 442 ha nuôi thủy sản với sản lượng hàng năm đạt trên 1.750 tấn; tận dụng diện tích mặt nước hồ, đập để triển khai mô hình nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp: trồng rau, hoa quả trong nhà lưới; chế biến dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu tương; trồng cam tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 50 ha, chăn nuôi gia cầm tiêu chuẩn VietGAP quy mô 10.000 con, chăn nuôi đại gia súc bán công nghiệp quy mô trên 300 con. Thực hiện tốt bảo vệ, phát triển rừng bền vững và bình quân hàng năm trồng 2.600 ha rừng; sản lượng gỗ rừng trồng đến năm 2020 dự ước đạt 100.000 m3, tăng 6.980 m3 so với năm 2015.
Tập trung thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2025 đạt 1.255 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm tăng 5,5%; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là trọng tâm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến và phát triển thị trường là khâu đột phá.
Mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng liên kết nhiều vùng sản xuất vừa và nhỏ liền kề tạo ra vùng sản xuất lớn; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Triển khai quyết liệt các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của huyện.
Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp; phát triển kinh tế trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức liên kết giữa nông dân, tổ chức hợp tác của nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục tìm kiếm, bổ sung cây trồng, vật nuôi mới có giá trị cao, thị trường tiêu thụ tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện.
Khắc Điệp