Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, 9/9 huyện, thị và thành phố đã công bố hết dịch, nhưng rất nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn vẫn dè dặt tái đàn.
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được khống chế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành Phương án số 2380/PA-SNN ngày 04/12/2019 về việc sản xuất, chăn nuôi lợn những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện tuyên truyền khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường tái đàn đảm bảo phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học”.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, tại thời điểm 31/12/2019 tổng đàn lợn toàn tỉnh là 440.006 con, thế nhưng sau 4 tháng thực hiện, các địa phương, người chăn nuôi mới tái đàn được 8.131 con lợn các loại (lợn nái là 530 con, đực giống là 17 con, lợn chăn nuôi thương phẩm là 7.584 con).
Theo kế hoạch, năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu tổng đàn gia súc chính đạt trên 658.000 con (trâu 98.000 con, bò 31.500 con, lợn 528.500 con), sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 47.000 tấn, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 1.980 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết quý I/2020, tổng đàn gia súc chính đạt 574.970 con, đạt 92,7% kế hoạch (đàn trâu 96.476 con, đàn bò 30.357 con, đàn lợn 448.137 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 14.486 tấn, chỉ đạt 28,4% kế hoạch, giá trị sản xuất đạt 450 tỷ đồng.
Đặc biệt, đối với đàn lợn tính hết tháng 4 tổng đàn lợn có 442.024 con, trong đó: lợn cụ kỵ, ông bà 2.382 con; lợn nái sinh sản 29.843 con; lợn nái hậu bị 20.224 con; lợn đực giống sinh sản 1.163 con; lợn con theo mẹ 63.929 con; lợn thịt 324.483 con.
Thực tế cho thấy, người chăn nuôi, nhất là nuôi nông hộ đang gặp những khó khăn, bất cập trong tái đàn. Một số người chăn nuôi vẫn có tâm lý dè dặt, thận trọng trong việc tái đàn vì lo sợ bệnh dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát trở lại.
Bên cạnh đó, là giá lợn giống tại thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020 là khá cao, có giá dao động từ 2,5 -2,7 triệu đồng/con (từ 8 -12kg). Trong khi mức giá trung bình hàng năm chỉ là 0,8 - 1,2 triệu đồng/con. Không chỉ giá cao mà nhiều lúc người chăn nuôi có tiền cũng không thể mua được con giống, bởi nguồn cung ứng lợn giống trong và ngoài tỉnh rất hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi do bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện tại vẫn đang bỏ trống chuồng vì đầu tư chăn nuôi đủ quy mô như ban đầu đòi hỏi kinh phí rất lớn.
Ông Hoàng Quốc ở huyện Trấn Yên sau khi được hỗ trợ thiệt hại trên 40 triệu đồng, gia đình đã dùng số tiền này sửa sang lại chuồng trại theo hình thức khép kín, đủ điều kiện áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Ông cũng đã tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, xử lý triệt để chuồng trại để nhập con giống về nuôi. Tuy nhiên, đã gần nửa tháng nay gia đình ông không biết mua con giống ở đâu để tái đàn, mua trôi nổi trên thị trường thì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không biết có sạch bệnh không. Một vấn đề nữa là giống giá cao gấp 2 - 3 lần so với trước, với giá này nuôi lãi lờ là bao? Trong thời điểm giá thịt lợn lên cao do thiếu nguồn cung, người chăn nuôi rất muốn tái đàn nhưng gặp khó về nguồn giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi cũng như tâm lý lo lắng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn.
Khó khăn của ông Quốc cũng là khó khăn chung của người chăn nuôi, chỉ những trang trại, hộ chăn nuôi đủ điều kiện chăn nuôi an toàn mới tái đàn. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu chuyển chăn nuôi gia cầm để duy trì sản xuất. Mong muốn của người chăn nuôi lúc này là muốn được vay nguồn vốn ưu đãi, cũng như có nguồn giống đảm bảo chất lượng để phát triển chăn nuôi.
Để tái đàn lợn hiệu quả và bền vững, người chăn nuôi cần mua con giống ở những cơ sở có uy tín, an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng; lợn giống từ ngoài tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi; thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh cho đàn lợn theo quy định.
Ngọc Trúc