Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã có những tác động tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sản xuất nông nghiệp cũng như các hoạt động lưu thông, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các mặt hàng xuất khẩu.
Để ứng phó tốt dịch bệnh Covid-19, đồng thời tiếp tục khẳng định quan điểm sản xuất nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, trước hết phải đảm bảo an ninh lương thực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Trong khi các hoạt động kinh tế khác bị đình trệ, thì sản xuất nông nghiệp cần phải ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển, nhằm phát huy nội lực, bù đắp cho những thiếu hụt về giá trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế trong một số lĩnh vực của tỉnh.
Từ thực tiễn nêu trên, đặt ra yêu cầu cần phải bổ sung một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhằm thúc đẩy sản xuất tăng trưởng về sản lượng, giá trị, đặc biệt là tăng cơ cấu nội ngành chăn nuôi, đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2020.
Kỳ họp thứ 16 (chuyên đề) - HĐND tỉnh khoá XVIII đã thông qua Nghị quyết số 13/NQ-HĐND về việc ban hành bổ sung một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để động viên, khuyến khích các hộ gia đình tích cực tham gia vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 tới các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh và đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân, bù đắp cho những thiếu hụt tăng trưởng của các ngành kinh tế khác.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được áp dụng tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có điều kiện tham gia chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Ông Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Những chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp mà tỉnh ban hành là phù hợp, đảm bảo thuận lợi trong triển khai thực hiện, có tính khả thi cao. Với mức hỗ trợ cụ thể sẽ khuyến khích được các hộ dân tiếp tục phát triển tăng gia phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm trong điều kiện nhiều lao động đang phải ngừng việc trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
Các chính sách được đưa ra hỗ trợ cụ thể trong Nghị quyết số 13 là: hỗ trợ một lần cho hộ gia đình mua mới con giống để chăn nuôi lợn thịt có quy mô từ 50 con/lứa trở lên. Mức hỗ trợ 18 triệu đồng/hộ gia đình; hỗ trợ một lần cho hộ gia đình mua mới con giống để chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô từ 5 con trở lên.
Mức hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ gia đình; hỗ trợ một lần cho hộ gia đình mua mới con giống để chăn nuôi lợn kết hợp có quy mô 3 con lợn nái và 30 con lợn thịt trở lên. Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ gia đình; hỗ trợ một lần cho hộ gia đình mua mới con giống để chăn nuôi gia cầm đặc sản địa phương có quy mô từ 200 con trở lên. Mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ gia đình; hỗ trợ một lần cho hộ gia đình mua mới con giống để chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 500 con trở lên.
Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ gia đình; hỗ trợ một lần cho hộ gia đình mua mới con giống để chăn nuôi dê có quy mô 30 con trở lên. Mức hỗ trợ 8 triệu đồng/hộ gia đình. Nghị quyết cũng thực hiện hỗ trợ hộ gia đình chăn nuôi lợn đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 của HĐND tỉnh Yên Bái, hiện đang phải tạm ngừng sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, có nhu cầu tái đầu tư, khôi phục lại sản xuất chăn nuôi lợn, mức hỗ trợ cụ thể: Chăn nuôi lợn thịt có quy mô từ 100 con/lứa trở lên.
Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ gia đình. Chăn nuôi lợn nái sinh sản, có quy mô từ 15 con trở lên, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ gia đình. Chăn nuôi lợn kết hợp, có quy mô 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt trở lên, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ gia đình.
Hỗ trợ 100% lãi suất tín dụng ưu đãi trong thời hạn 6 tháng đối với các khoản vay từ ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất để cung ứng con giống lợn thương phẩm an toàn phục vụ sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Mức hỗ trợ là 55.000 đồng/con giống thương phẩm.
Về chính sách hỗ trợ thực hiện trồng ngô đông trên đất 2 vụ lúa sẽ hỗ trợ giá giống ngô lai cho các hộ gia đình tham gia sản xuất ngô đông trên đất 2 hai vụ lúa, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/ha.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020.
Theo ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh, nhưng sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh vẫn được duy trì và có bước phát triển. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản do ít bị ảnh hưởng nên sản xuất vẫn được duy trì và phát triển ổn định, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá còn dư địa để tăng trưởng, bù đắp cho thiếu hụt ở các ngành, lĩnh vực khác bị ảnh hưởng. Việc HĐND tỉnh ban hành 5 mức hỗ trợ cho các hộ gia đình chăn nuôi là chính sách phù hợp với tình hình thực tế và khả năng của người dân, có tính khả thi cao, đảm bảo khuyến khích được các hộ chăn nuôi mạnh dạn đầu tư vào phát triển sản xuất, tăng quy mô chăn nuôi, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng đàn, tăng giá trị và sản lượng thịt trong thời gian tới”.
Đức Toàn