Ngay sau khi các nghị quyết được ban hành, đặc biệt là các nghị quyết ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với dịch Covid -19, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn để các địa phương chủ động triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở trạng thái bình thường mới.
Trong đó, tập trung ưu tiên đẩy mạnh sản xuất, gia tăng giá trị các lĩnh vực có dư địa tăng trưởng (nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng) để bù đắp cho các lĩnh vực bị suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thực hiện Nghị quyết 13 HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid - 19, tỉnh sẽ hỗ trợ thực hiện các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trong đó, bổ sung kinh phí hỗ trợ thực hiện các đề án nhằm gia tăng giá trị sản xuất bù đắp cho một số lĩnh vực, sản phẩm bị thiếu hụt như các đề án hỗ trợ trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, phát triển cây quế…
Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: ngay sau khi Nghị quyết 13 và hướng dẫn của UBND tỉnh được ban hành, ngành nông nghiệp đã đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ đến nhân dân và được nhân dân đồng tình, ủng hộ và đăng ký tham gia.
Theo đó, mô hình nuôi lợn 50 con là 190 hộ; mô hình 5 con lợn nái có 2.995 hộ; mô hình nuôi lợn kết hợp 3 nái - 30 lợn thịt có 498 hộ; mô hình gia cầm đặc sản 200 con có trên 1.270 hộ; mô hình nuôi gà 500 con là 1.021 hộ; 176 hộ đăng ký mô hình nuôi dê 30 con; diện tích đăng ký trồng ngô đông trên đất 2 vụ lúa trên 3.200 ha.
Tổng nguồn lực hỗ trợ theo mô hình đăng ký dự kiến khoảng 70 tỷ đồng. Trên cơ sở đăng ký của các địa phương, ngành sẽ tổng hợp, đánh giá các mô hình có đáp ứng theo các điều kiện theo quy định của chính sách hỗ trợ đặc thù hay không để hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt và bố trí phân bổ kinh phí cho các địa phương sớm triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực nông nghiệp theo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đề án nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm.
Cùng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng đã, đang triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết 09 của HĐND nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm hồ sơ đề nghị miễn giảm, giãn thời gian nộp thuế; hỗ trợ miễn tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ.
Cùng đó, tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, đào tạo lại lao động; tăng khai thác nguồn nguyên liệu nông, lâm sản phục vụ cho công nghiệp chế biến, đảm bảo đủ điện, nhiên liệu cho sản xuất.
Ông Nguyễn Minh Toàn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp sớm khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông thị trường, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với dịch bệnh Covid -19.
Các nghị quyết, chính sách được HĐND tỉnh ban hành kịp thời sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra theo Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy.
Hà Anh