Xây dựng thương hiệu “Gà Yên Bái”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2020 | 8:02:46 AM

YênBái - Xã Minh Quán, huyện Trấn Yên là địa phương thuần nông. Trước đây, các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, quy mô manh mún, nhỏ lẻ.

Khu chăn nuôi tập trung của HTX MQ.
Khu chăn nuôi tập trung của HTX MQ.

Từ năm 2012, các hộ chăn nuôi gà bắt đầu liên kết chăn nuôi thành một số nhóm hộ. Đến năm 2018, nhóm hộ này thành lập hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ (viết tắt là HTX MQ). Nhờ đó, hiệu quả chăn nuôi tăng lên rõ rệt, số lượng đàn, đầu con phát triển mạnh và xã đã có hàng chục trang trại nuôi gà với quy mô từ 3.000 - 10.000 con/lứa. 

Anh Nguyễn Văn Nam ở thôn 4 bắt đầu nuôi gà từ năm 2011 với số lượng 200 con/lứa. Qua tuyên truyền, vận động của xã, năm 2012 anh tham gia vào nhóm liên kết chăn nuôi gà và mở rộng quy mô lên 1.000 con/lứa. 

Anh Nam chia sẻ: "Khi HTX MQ được thành lập thì tôi là một trong những thành viên đầu tiên của HTX. Việc liên kết trong chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích thiết thực đó là, được hỗ trợ về kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, đầu ra sản phẩm ổn định”.  

Hiện, gia đình anh Nam đang duy trì nuôi 1 trang trại với số lượng 3.000 con/lứa, mỗi năm nuôi từ 2 - 3 lứa, mang lại nguồn thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng. 

HTX MQ có vốn điều lệ 1 tỷ đồng và 10 thành viên. Với 3 ha đất được xã giao, HTX đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng khu chăn nuôi tập trung quy mô 34.000 con gà thịt mỗi lứa. Năm 2018 và nửa đầu năm 2019, HTX đã xuất bán hơn 52.000 con với sản lượng gần 110 tấn, doanh thu đạt 6 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. 

Anh Nguyễn Tiến Sơn - Giám đốc HTX  MQ cho biết: "Các thành viên khi tham gia vào quy trình sản xuất của HTX từ khâu lựa chọn con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi được thống nhất chung một đầu mối, cùng một lựa chọn là giống gà Minh Dư và Lạc Thủy; sử dụng thức ăn chăn nuôi VietHop của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Tân Việt”. 

Từ khi thành lập nhóm liên kết chăn nuôi và thành lập HTX MQ đến nay, việc chăn nuôi của các thành viên thuận lợi hơn, không xảy ra dịch bệnh lớn hay gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bên cạnh hỗ trợ nhau về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi thì việc tham gia nhóm đã giúp các hội viên nâng cao ý thức chăn nuôi, hạn chế tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích. 

Mặt khác, nhờ liên kết chăn nuôi nên nông dân có điều kiện tiếp cận và lựa chọn các loại giống vật nuôi chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đến nay, số hộ dân tham gia nhóm liên kết là 32 hộ với tổng đàn gà lên đến hơn 100.000 con, doanh thu hàng năm đạt gần 20 tỷ đồng và tạo việc làm cho 40 lao động.

Không dừng lại ở việc chăn nuôi quy mô lớn, hiện HTX MQ còn hướng tới việc chế biến các sản phẩm từ thịt gà để bán ra thị trường nhằm nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu "Gà Yên Bái”.

Việc nông dân chủ động liên kết trong chăn nuôi gà, sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro, tăng lợi nhuận vừa thúc đẩy phong trào chăn nuôi ở địa phương phát triển theo hướng mở rộng quy mô, hiệu quả. Thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục nhân rộng mô hình này để nâng cao giá trị các sản phẩm chăn nuôi của nông dân và chăn nuôi được phát triển hiệu quả, bền vững.     

 Anh Dũng

Tags Xây dựng thương hiệu gà Yên Bái

Các tin khác

Trong đó, trà lúa mùa sớm trên 1.200 ha, cơ cấu 45% lúa lai, 55% lúa thuần.

Nông dân Văn Chấn thu hoạch lúa xuân.

Nông dân huyện Văn Chấn đang đẩy mạnh thu hoạch gần 2.700 ha lúa xuân, trong đó, lúa lai chiếm 50% diện tích; năng suất lúa ước đạt 59 tạ/ha.

Philippines nhập khẩu gạo để bổ sung dự trữ cho tiêu dùng trong nước. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Philippines đã mở thầu mua 300.000 tấn gạo dưới hình thức đấu giá liên chính phủ. Trong đó, Việt Nam trúng thầu 60.000 tấn.

Ngày 11/6, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn phối hợp với UBND xã Sơn Lương, tiến hành thả 3 cá thể kỳ đà hoa về môi trường tự nhiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục