Do đó, tỉnh Yên Bái đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng cách xem xét trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển với các dự án không đạt tiến độ.
Năm 2020, tổng kế hoạch vốn toàn tỉnh được Chính phủ giao gần 5.362 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương trên 1.175 tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài trên 1.156 tỷ đồng; các nguồn vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang gần 137 tỷ đồng… Đến ngày 15/7/2020, tỉnh đã giải ngân đạt gần 2.110 tỷ đồng, bằng 44,4% kế hoạch vốn đã giao chi tiết của tỉnh, đứng thứ 28/63 tỉnh thành.
Việc cân đối, bố trí, điều chỉnh, bổ sung các nguồn vốn được thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu, tiến độ thực hiện của các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, đề án phát triển giao thông nông thôn, đề án hỗ trợ người có công, người nghèo…
Như vậy, tỷ lệ giải ngân của tỉnh cao hơn bình quân chung của cả nước trên 10% và nằm trong tốp dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố. Nếu không tính đến một số nguồn chưa có số thu thực tế thì tỷ lệ giải ngân đạt trên 49,3% và nếu chỉ tính nguồn vốn đầu tư phát triển đã có nguồn (không bao gồm vốn sự nghiệp và các nguồn chưa có số thu thực tế) thì tỷ lệ giải ngân đạt trên 55,4%.
Để đạt được kết quả trên, các ngành, địa phương, đơn vị chủ đầu tư đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện và giải ngân các công trình, dự án kế hoạch 2020.
Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện được các cấp, ngành tháo gỡ kịp thời. Các địa phương đã thực hiện phân bổ chi tiết các nguồn vốn cho các công trình, dự án cơ bản đảm bảo thời gian, đáp ứng tiến độ giải ngân các dự án.
Một số địa phương rất tích cực trong phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư là các sở, ban, ngành trong thực hiện giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh như UBND thành phố Yên Bái, UBND huyện Trấn Yên…
Vấn đề mấu chốt nữa, đó là tỉnh thực hiện phân cấp mạnh cho các địa phương được chủ động giao chi tiết (đặc biệt vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn; dự phòng xây dựng nông thôn mới); ủy quyền và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, chủ đầu tư phê duyệt dự toán, điều chỉnh thiết kế dự toán…; do đó, đã rút ngắn thời gian phân bổ nguồn vốn; cân đối, bố trí và điều chỉnh, bổ sung các nguồn vốn được thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện...
Mặc dù đã có nhiều cố gắng; tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn tuy cao hơn mặt bằng chung của cả nước nhưng vẫn đạt dưới 50%. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định đòi hỏi các sở, ngành, địa phương sớm khắc phục, tập trung cao độ để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra.
Trước tiên, các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư nghiêm túc triển khai thực hiện các nhóm giải pháp về thực hiện và đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý theo quy định đối với các nhà thầu vi phạm các điều khoản hợp đồng ký kết; có biện pháp chấn chỉnh, thay thế nhà thầu hoặc bổ sung nhà thầu phụ đối với các nhà thầu không đáp ứng năng lực làm ảnh hưởng kết quả giải ngân; dự án hoàn thành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán, không để thanh toán dồn vào cuối năm.
Thực hiện nghiệm thu thanh toán đối với từng hạng mục công trình đã hoàn thành; cơ quan chức năng rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn theo quý đối với công trình, dự án không có khả năng giải ngân; các dự án chậm so với yêu cầu sang cho các dự án đã có khối lượng thực hiện đủ điều kiện giải ngân, các dự án có tiến độ triển khai thực hiện tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện…
Với sự nỗ lực cao độ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, chắc chắn Yên Bái sẽ thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch 2020.
Thanh Phúc