Bộ Công Thương lý giải điện một giá phải gần 3.000 đồng/kWh

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2020 | 9:44:12 AM

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay, phương án 1 giá bằng giá điện sinh hoạt bình quân (1.864,44 đồng một kWh) không nhận được sự ủng hộ phần đông của các bộ ngành đã lấy ý kiến.

Điện một giá bằng 1.864,44 đồng/kWh không nhận được sự ủng hộ

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy kiến.

Ngay sau khi được đưa ra, dự thảo nhận sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận, đặc biệt là phương án "điện một giá". Nhiều chuyên gia cho rằng, mức điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân là không hợp lý.

Lãnh đạo Cục điều tiết điện lực cho biết nếu áp giá điện một giá ở mức bằng mức giá bình quân thì để đảm bảo giá điện sinh hoạt bình quân không đổi sẽ phải điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ ở các mức dưới 700 kWh/tháng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết tại dự thảo, Bộ đã đưa ra 2 phương án.

Trong đó, phương án 1 cải tiến từ 6 bậc thang sang 5 bậc thang đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên giá điện bình quân hiện hành cho mục đích sinh hoạt.

Tại phương án này, cơ quan soạn thảo ghép bậc 1 và bậc 2 hiện tại thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ bằng bậc 1 hiện hành. Giữ nguyên giá các khách hàng sử dụng điện từ 101-200 kWh.

Ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301- 400 kWh thành bậc mới. Tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: bậc tư 401 đến 700 kWh và bậc trên 701 kWh.

Ở phương án 2, ông Tuấn cho biết cải tiến từ 6 bậc thang thành 5 bậc và thêm lựa chọn giá bán lẻ sinh hoạt 1 giá.

"Khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng biểu giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc 1 giá để phù hợp với mức tiêu thụ điện của khách hàng”, ông Tuấn cho biết.

Theo dự thảo, với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng một kWh, người dùng sẽ phải trả khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 145% và khoảng 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 155%.

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay, phương án 1 giá bằng giá điện sinh hoạt bình quân không nhận được sự ủng hộ phần đông của các bộ ngành đã lấy ý kiến.

Lý do được ông Tuấn cho biết là với phương án một giá bằng giá sinh hoạt bình quân, tiền điện các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 đến 39.000 đồng/khách hàng/tháng.

Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hàng năm tăng từ mức trên 1.000 tỷ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỷ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng/năm) do mức giá điện 1 giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành.

"Đồng thời việc áp dụng giá điện một giá cho tất cả các đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả”, ông Tuấn nói.

Khách hàng có thể chuyển 1 giá sang 5 bậc sau 1 năm

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và đảm bảo khách hàng có thêm sự lựa chọn, Bộ Công Thương cho biết đã xây dựng phương án 2A và 2B để lấy ý kiến. Trong đó biểu giá ở 4 bậc thang đầu tiên của phương án 2A và phương án 2B giống như phương án 1.

Biểu giá điện ở phương án 2A và 2B lần lượt được đề xuất ở mức 145% và 155% giá bình quân. Tương ứng với mỗi phương án thì giá điện tại bậc thang thứ 5 sẽ được tính toán lại để giá điện sinh hoạt bình quân không đổi.

"Khách hàng tùy theo lượng điện tiêu thụ thực tế có quyền lựa chọn áp dụng biểu giá theo 5 bậc thang hoặc 1 giá. Mỗi lần chuyển đổi giữa 2 phương thức tối thiểu là 12 tháng”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay,

Cũng theo lãnh đạo Cục điều tiết điện lực, nếu áp giá điện một giá ở mức bằng mức giá bình quân thì để đảm bảo giá điện sinh hoạt bình quân không đổi sẽ phải điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ ở các mức dưới 700 kWh/tháng.

Theo đó, phương án này có lợi cho các khách hàng sử dụng điện nhiều nhưng sẽ ảnh hưởng tới trên 98% khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.

Trước đó, trao đổi với Dân trí, một số chuyên gia cũng có ý kiến cho rằng thời điểm này chưa thích hợp để triển khai điện một giá. "Đáng lẽ từ 5 bậc nên xem xét tới phương án 3 bậc trước khi nhảy xuống một giá luôn”, GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nêu quan điểm.

Theo ý kiến của ông Long, phương án 3 bậc sẽ bao gồm: bậc 1 từ 1-100kWh cho những gia đình khó khăn ở mức giá được hỗ trợ, bậc tiếp theo từ 101- 499 kWh với mức giá bình quân, còn lại khách hàng trên 500kwh thì sẽ phải giá cao hơn vì đây là mức dùng nhiều với các hộ khá giả.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho biết, giá điện bậc thang vẫn hợp lý hơn trong bối cảnh hiện nay. Ông không ủng hộ phương án một giá điện dự thảo nêu ra.

"Nếu tính cả thuế giá trị gia tăng thì giá điện một giá là hơn 3.000 đồng mỗi kWh thì thử hỏi những người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, công nhân… họ có đủ tiền trả không? Trong khi người giàu dùng nhiều điện lại được lợi. Sẽ có lợi cho người tiêu thụ nhiều điện, khi họ dùng hàng nghìn kWh cũng chỉ bị áp một giá vì chỉ phải trả mức rẻ hơn nhiều so với trước khi dùng bậc thang”, ông Ngãi băn khoăn.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Yên Bái

Sáng 23/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.

Số lượng vàng trúng thầu khoảng 20% khối lượng Ngân hàng Nhà nước mang ra đấu giá.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu vàng miếng ngày 23/4 với 2 thành viên trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng SJC...

Công ty Điện lực Hòa Bình cải tạo nâng công suất trạm biến áp 110 kV Mai Châu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Kế hoạch tổ chức số 2594/BCT-KHTC về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

NHNN thực hiện đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường, giúp bình ổn giá vàng và kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. (Ảnh minh họa: KT)

Sau khi hủy phiên đấu thầu hôm qua (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay (23/4) tiến hành đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục