Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác xã

Yên Bái đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác xã- Bài 1: Tạo sức bật phát triển

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/9/2020 | 8:07:10 AM

YênBái - Hoạt động của kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã tạo sức lan tỏa cao khi ngày càng có nhiều HTX kiểu mới, điển hình được nhân rộng; số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh cùng với chất lượng được nâng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xử lý nguyên liệu chế biến tại Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
Xử lý nguyên liệu chế biến tại Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.

Vai trò của khu vực kinh tế tập thể ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng với nhiều mô hình mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị được nhân rộng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực ban đầu đã đạt được, kinh tế hợp tác, HTX vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, đòi hỏi phải tiếp tục được tháo gỡ, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả.

Tạo điều kiện, khuyến khích thành lập, phát triển bền vững các HTX, tổ hợp tác (THT), tỉnh đã triển khai nhiều chính sách đồng bộ, nguồn lực tương xứng, là đòn bẩy đưa kinh tế HTX phát triển toàn diện… theo chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì phải có hợp tác xã”. 

Xác định rõ vai trò vị trí to lớn của HTX, tỉnh đã chú trọng công tác phát triển kinh tế tập thể theo hướng phát triển đa dạng các loại hình HTX, THT trong mọi lĩnh vực; tập trung phát triển HTX nông nghiệp đa ngành nghề gắn với các vùng nguyên liệu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đồng thời, tăng cường liên doanh, liên kết, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Rất nhiều các cơ chế, chính sách của tỉnh đã và đang tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển, thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế tư nhân, người lao động phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Đặc biệt, Đề án củng cố, phát triển HTX, THT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã thổi luồng sinh khí mới cho các HTX. Theo đó, nhiều chính sách đã được hỗ trợ cho các HTX và THT như: HTX thành lập mới được hỗ trợ không quá 15 triệu đồng, THT thành lập mới được hỗ trợ không quá 1 triệu đồng; hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao nhận thức, hỗ trợ nguồn nhân lực có trình độ về làm việc tại HTX; hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại; vốn, quỹ cho các HTX. 

Nhìn nhận rõ "cốt lõi” của mọi vấn đề đều xuất phát từ nguồn lực con người của HTX còn hạn chế, hàng năm, UBND tỉnh Yên Bái giao kinh phí và chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Liên minh HTX tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX và thành viên theo Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mỗi năm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo nghề cho hàng nghìn lượt cán bộ, thành viên HTX, quỹ tín dụng nhân dân, cán bộ đại diện của Liên minh HTX tại 9 huyện, thị, thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho cán bộ quản lý HTX, nâng cao tay nghề cho thành viên, người lao động. 

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai, thực hiện việc hỗ trợ đưa cán bộ trẻ về làm việc tại HTX theo nội dung Đề án củng cố, phát triển HTX, THT giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1218/QĐ-UBND ngày 03/7/2017. 

Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ 23 cán bộ trẻ có trình độ từ cao đẳng trở lên về làm việc tại các HTX nông nghiệp. HTX Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ tại thôn 7, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên là HTX phát triển lên từ THT, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là chăn nuôi gà, HTX đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung với quy mô 40.000 con gà thịt mỗi lứa. 

Bên cạnh chăn nuôi tập trung, HTX liên kết với 20 hộ dân có kinh nghiệm chăn nuôi trên địa bàn để cùng sản xuất và tiêu thụ  sản phẩm. Khi có chính sách đưa cán bộ trẻ về làm việc tại HTX, HTX đã đề xuất, lựa chọn 1 cán bộ có trình độ, chuyên môn về chăn nuôi thú y và anh Nguyễn Quang Hiệp - cử nhân chuyên ngành chăn nuôi thú y, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã về làm việc tại HTX. 

Giám đốc HTX Nguyễn Tiến Sơn chia sẻ: "Các thành viên HTX gắn bó với chăn nuôi nhiều năm nhưng hầu hết vẫn dựa vào kinh nghiệm. Từ khi anh Hiệp về làm việc kiểm soát, tư vấn, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi giúp cho tất cả thành viên nâng cao năng lực kỹ thuật, kiểm soát và quản lý dịch bệnh. Nhờ quản lý tốt dịch bệnh, doanh thu hàng năm của HTX đạt từ 29 - 33 tỷ đồng, lợi nhuận 5,1- 5,5 tỷ đồng/năm”. 

Đội ngũ cán bộ này đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, đóng góp tích cực giúp các HTX ngày càng phát triển nhất là việc hỗ trợ các HTX tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; năng lực quản lý từng bước được cải thiện để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng được mùa, mất giá trong nông nghiệp. 

Cùng với đó, công tác hỗ trợ HTX xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất, xúc tiến thương mại cũng được tăng cường. Hàng năm, tỉnh Yên Bái tạo điều kiện cho các HTX được tham gia các hội chợ trong tỉnh và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm; trong đó, hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng cho các HTX tham gia hội chợ và thưởng cho các đơn vị có thành tích xuất khẩu sản phẩm. 

Qua đó, hàng trăm sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh, của các HTX được giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ như: miến đao Giới Phiên, chè Suối Giàng, các sản phẩm từ quế và tinh dầu quế, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, tranh đá quý… 

Đồng thời, tỉnh có chính sách khuyến khích đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu của các HTX và doanh nghiệp, hỗ trợ kinh phí để đơn vị sản xuất, kinh doanh tìm thị trường xuất khẩu. 

Qua đó, nhiều HTX đã tìm được thị trường xuất khẩu như: HTX DVTH Tân Thịnh, huyện Văn Chấn tìm được thị trường xuất khẩu chè sang Đông Âu, Trung Quốc; HTX khai thác vận chuyển đá Mông Sơn, huyện Yên Bình tìm được thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan; HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên liên kết với Công ty cổ phần Kiên Thành xuất khẩu sản phẩm măng tre Bát độ sang Nhật Bản và một số nước khác; HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận sản xuất chè đen theo tiêu chuẩn quốc tế xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu… 

Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các HTX được hưởng chính sách về khoa học và công nghệ thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến công; hỗ trợ các HTX về đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất. Bình quân; mỗi năm thực hiện từ 3 - 4 dự án với kinh phí hàng trăm triệu đồng/dự án. 

Năm 2019, tỉnh đã triển khai chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các HTX nông nghiệp theo Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT về hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp với 22 dự án đã được triển khai hỗ trợ cho 18 HTX nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổng số kinh phí là trên 94 tỷ đồng. 

Từ nguồn lực của Nhà nước, kinh tế tập thể của tỉnh đã có bước phát triển nhanh; số lượng HTX phát triển rộng khắp 9/9 huyện, thị xã, thành phố và ở cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, phát triển mạnh ở các lĩnh vực có lợi thế như: khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến chè, chế biến gỗ rừng trồng, các sản phẩm từ quế và tinh dầu quế, miến đao, măng tre Bát độ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. 

Khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã tập trung đổi mới phương thức quản lý, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh công tác liên doanh, liên kết, tìm kiếm thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động. Nhiều mô hình HTX kiểu mới sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm đã hình hình thành, phát triển. 

Điển hình phải kể đến HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên được hành lập tháng 8/2017 và bước đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2018, HTX tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, ký hợp đồng với Công ty cổ phần Yên Thành sơ chế măng tre Bát độ, vận hành chưng cất tinh dầu quế đảm bảo hiệu quả, tăng doanh thu cho HTX. 

Giám đốc HTX Hồng Ca Hà Văn Lân cho biết: "Nhờ liên kết nên doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng. HTX giải quyết việc làm trực tiếp tại nhà máy cho gần 20 lao động với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng, bao tiêu sản phẩm măng tre Bát độ, cành lá quế cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn xã Hồng Ca và các xã lân cận”. 

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, hoạt động của HTX tạo sức lan tỏa cao khi ngày càng có nhiều HTX kiểu mới, điển hình được nhân rộng; số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh cùng với chất lượng được nâng cao. Đến cuối tháng 6/2020, toàn tỉnh có 430 HTX thu hút 26.579 thành viên và 3.540 tổ hợp tác, với 24.625 lao động và thành viên; năng lực quản trị của các HTX có nhiều tiến bộ, tổng vốn điều lệ của các HTX ước đạt trên 1.008 tỷ đồng; doanh thu bình quân của HTX ước đạt 828,5 triệu đồng; lợi nhuận bình quân HTX ước đạt 176,6 triệu đồng; các HTX đóng góp ngân sách Nhà nước ước đạt 15 tỷ đồng.      

Văn Thông 
(Bài 2: Kiểu mới và liên kết với doanh nghiệp)

Tags Yên Bái hợp tác xã tổ hợp tác

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề làm nấm rơm tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2023, huyện Mù Cang Chải được giao vốn trên 142 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương trên 136,5 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã giải ngân 124,2 tỷ đồng, đạt 87,2% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục