Yên Bái: Công nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/9/2020 | 1:56:07 PM

YênBái - Bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong những năm qua, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất thép hộp tại Tôn Hoa Sen Yên Bái.
Sản xuất thép hộp tại Tôn Hoa Sen Yên Bái.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.000 doanh nghiệp, 376 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển. Nhờ đó, nhiều sản phẩm công nghiệp của Yên Bái đã có mặt tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Cơ cấu nội ngành công nghiệp đã chuyển dịch đúng hướng: giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, năm 2016 tỷ trọng công nghiệp khai khoáng 7,11% giảm còn 6,27% năm 2019; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 80,52% năm 2016 lên 81% năm 2019, dự kiến năm 2020 là 82%. 

Ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết: "Nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân đạt gần 12%; tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 4.800 tỷ đồng so với năm 2016 và bằng 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Trong giai đoạn này, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã phát triển đúng mục tiêu và định hướng, trong đó phát huy được tiềm năng thế mạnh, đưa công nghiệp dần trở thành động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) năm 2019 đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 61,55% so với năm 2015; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt 12,05%; ước thực hiện năm 2020 là 13.000 tỷ đồng”. 

Cũng trong thời gian qua, tỉnh tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện thu hút đầu tư; khai thác tốt thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển công nghiệp. 

Công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng, một số dự án đầu tư đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Cụ thể, 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quy hoạch khu công nghiệp quốc gia với tổng diện tích 632 ha. 

Đến nay, tại các khu công nghiệp này đã có 53 dự án đầu tư, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 9.901 tỷ đồng. Trong đó có 48 nhà đầu tư trong nước và 5 nhà đầu tư nước ngoài. Là công ty đóng chân tại Khu Công nghiệp phía Nam, 10 năm qua Công ty cổ phần An Tiến Industries góp phần không nhỏ cho phát triển sản xuất công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của tỉnh. 

Hiện nay, Công ty cổ phần An Tiến Industries đang sở hữu 2 nhà máy với tổng công suất sản phẩm 372.000 tấn sản phẩm một năm, bao gồm: Nhà máy sản xuất hạt phụ gia nhựa diện tích 8.100 m2 công suất thiết kế 150.000 tấn một năm, trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại khép kín và tự động hoàn toàn của Đức và Đài Loan sản xuất; Nhà máy sản xuất bột đá CaCO3 siêu mịn công suất thiết kế 222.000 tấn một năm, diện tích 19.000 m2, dây chuyền sản xuất do Đài Loan cung cấp. Nhà máy được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại, tự động hoàn toàn trong quá trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn cho xuất khẩu. 

Ông Đoàn Minh Đức - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần An Tiến Industries cho biết: "Từ khi thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công ty chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong mọi mặt như: thủ tục hành chính rất nhanh gọn, được hưởng các chế độ đãi ngộ về thuế, đất... Do đó, Công ty tập trung ứng dụng tự động hóa công nghệ trong sản xuất. Hiện nay, sản phẩm của Công ty có mặt ở các nước Trung Đông, Nga, Trung Quốc và châu Âu... Doanh thu năm 2020 ước tính đạt trên 800 tỷ đồng”.

Trong 5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào địa bàn. Cụ thể, năm 2019 tỉnh Yên Bái xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố về chỉ số PCI. 

Tỉnh đã tập trung việc cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; thông qua các buổi cà phê doanh nhân, những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đã được kịp thời tháo gỡ. 

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đầu tư vào Yên Bái như: Tập đoàn Vingroup, SunGroup, Tập đoàn Euro Window, Tập đoàn APEC, Tập đoàn Dược phẩm Nippon Joki, Tập đoàn Bảo Lai và các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp may Hàn Quốc. Các sản phẩm công nghiệp của Yên Bái đã có mặt tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó cho thấy tỉnh đã và đang nỗ lực để phát triển công nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế nhanh và bền vững. 

Với mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của vùng vào năm 2030, thời gian tới, Yên Bái tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp cả nước, của vùng trung du miền núi phía Bắc, phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hàng năm tăng 9% trở lên. 

Ông Phạm Trung Lân cho biết thêm: "Tỉnh Yên Bái khai thác triệt để thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển công nghiệp nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 23/3/2018 của Bộ Chính trị. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có sẵn; hình thành mới chuỗi các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”. 

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan quản lý Nhà nước, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, thuế, đất đai…; triển khai tốt chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp theo hướng chú trọng chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng sạch. 

Thúc đẩy chuyển dịch tích cực cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm mạnh tỷ trọng các ngành, sản phẩm công nghiệp khai khoáng, tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp các ngành, sản phẩm chế biến sâu nông - lâm sản, sản xuất hàng tiêu dùng, hỗ trợ và lắp ráp sản phẩm cơ khí, điện tử, thiết bị y tế, giáo dục, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu các sản phẩm công nghiệp giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường; chú trọng đến các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, sử dụng nhiều lao động của địa phương... 

Phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GRDP của tỉnh vào năm 2025 đạt khoảng 32%, trong đó tỷ trọng công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất công nghiệp.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái phát triển kinh tế bền vững

Các tin khác
Các đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Yên Bái tập trung thực hiện khắc phục các tồn tại trên lưới điện trước kỳ nghỉ lễ.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5, cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục chưa từng có trong suốt 10 năm qua, nhiều nơi lên đến hơn 43 độ C. Do đó, nhu cầu sử dụng điện của người dân đã tăng đột biến.

Giá vàng nhẫn giảm cùng chiều với giá vàng thế giới

Sáng nay (1/5), giá vàng nhẫn quay đầu giảm cùng chiều với giá vàng thế giới. Theo đó, giá vàng nhẫn mất mốc 76 triệu đồng/lượng.

Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Yên Bái thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền là giải pháp cung cấp hóa đơn có kết nối với cơ quan thuế, mang lại nhiều lợi ích. Người nộp thuế có thể chủ động trong việc lập hóa đơn khi có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ; tiết kiệm thời gian, chi phí.

Mô hình du lịch trải nghiệm của chị Đinh Thị Đương - chủ Homstay Mường Lò Famstay ở xã Phúc Sơn hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo du khách. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch và thị xã Nghĩa Lộ tham quan mô hình du lịch trải nghiệm của chị Đinh Thị Đương.

Thời gian qua, thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XVI, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung triển khai công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), giúp nhau phát triển kinh tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục