Để đưa chăn nuôi ngày một phát triển bền vững và trở thành một ngành kinh tế chủ lực, Yên Bái đã xây dựng hàng loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh xác định đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi là tiền đề để nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện theo hướng sản xuất hàng hóa. Bởi, nhìn tổng thể, số lượng đàn gia súc, gia cầm thì lớn nhưng chất lượng thấp, thể trạng gầy yếu, chủ yếu là giống địa phương, dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao.
Yên Bái đã tập trung cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, mỗi năm trên dưới 15.000 liều. Nhờ vậy, đến nay có 50% đàn bò lai Sind, lai Brahman, lai BBB...
Đàn lợn cũng có những chuyển biến tích cực: tỷ lệ lợn lai, lợn ngoại chiếm trên 75% tổng đàn. Đáng chú ý là tỷ lệ đàn lợn ngoại có tỷ lệ nạc cao như các giống: Yorkshire, Đại Bạch, Landrace, Duroc... chiếm trên 50%.
Chăn nuôi gà có bước đột phá mạnh mẽ, giống gà lông màu phát triển rộng rãi, góp phần tăng lượng đầu đàn và sản lượng, chủ yếu là giống J-DABACO, Minh Dư, gà mía, gà lai chọi... Hết năm 2019, tổng đàn đạt trên 5,2 triệu con, sản lượng xuất chuồng đạt trên 8.549 tấn, dự ước năm 2020 đạt trên 9.000 tấn.
Song song với chuyển đổi cơ cấu giống là chuyển đổi phương thức sản xuất, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa theo quy mô tập trung, đầu tư tăng năng suất, sản lượng.
Các chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở chăn nuôi hàng hóa và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chăn nuôi đã kích thích nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.200 cơ sở chăn nuôi, chủ yếu là nuôi lợn, gia cầm. Cùng đó, việc áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến được ứng dụng rộng rãi, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 50% tổng đàn; sản lượng thịt hơi chăn nuôi công nghiệp chiếm 50% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng.
Trong các địa phương, Trấn Yên là huyện có chăn nuôi phát triển với 618 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, trong đó gia cầm 324 cơ sở, chăn nuôi lợn 243 cơ sở, chăn nuôi trâu, bò 38 cơ sở, chăn nuôi thỏ 13 cơ sở.
Các cơ sở chăn nuôi lợn, gà theo quy mô tập trung, quy mô hộ gia đình phát triển nhanh, huyện có 4 trang trại nuôi lợn thịt và lợn nái hậu bị theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp thông qua hình thức liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Hòa Phát, xã Lương Thịnh chăn nuôi công nghệ cao với quy mô trên 1.500 con lợn nái và trên 10.000 con lợn thịt/lứa mang lại hiệu quả rất cao. Đối với chăn nuôi gia cầm, phần lớn các hộ chăn nuôi gia cầm tập trung có quy mô từ 1.000 con/lứa trở lên đều tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.
Điển hình như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp MQ, xã Minh Quán, xây dựng cơ sở chăn nuôi gà tập trung với diện tích gần 2 ha, quy mô nuôi 45.000 con/lứa; ngoài ra Hợp tác xã ký hợp đồng liên kết với 70 hộ chăn nuôi gia cầm tập trung để cung ứng con giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ chăn nuôi tại các xã. Bên cạnh đó, còn có 36 cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung với quy mô nuôi 130.000 con/lứa.
Vừa đẩy mạnh chăn nuôi tập trung, Yên Bái còn phân vùng chăn nuôi phát huy lợi thế của địa phương, hình thành vùng chăn nuôi lợn, gia cầm ở vùng thấp, chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao. Đồng thời, phát triển chăn nuôi sản phẩm đặc sản như gà đen, lợn bản địa vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông (Trạm Tấu, Mù Cang Chải), vịt bầu, gà sống thiến (Lục Yên)…
Từ những kết quả trên, định hướng trong những năm tiếp theo là tỉnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng tập trung, quy mô lớn, ngoài khu dân cư, áp dụng công nghệ, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Mở rộng nuôi trồng tập trung, thâm canh, bán thâm canh các loại thủy sản giá trị cao tại các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái...; phát triển sản phẩm cá sạch, cá đặc sản hồ Thác Bà, nâng giá trị thu nhập bình quân trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 đạt 300 triệu đồng/ha/năm.
Nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên 30% năm 2025; tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nông thôn mới.
Mục tiêu đề ra là tăng đàn gia súc chính đến năm 2025 lên 1 triệu con, trong đó đưa chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại tại các huyện, thị xã, thành phố, bảo đảm an toàn sinh học, đi vào chuỗi cung ứng có giá trị và thương hiệu.
Ngọc Trúc