Phát triển nghề nuôi ong mật ở Báo Đáp

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/4/2021 | 11:22:43 AM

YênBái - Cách trung tâm huyện Trấn Yên khoảng 10 km, xã Báo Đáp có hơn 420 ha rừng tự nhiên - diện tích rừng lớn nhất, nhì trong các xã của huyện. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế đồi rừng và tạo nguồn thức ăn đảm bảo cho ong sinh trưởng, phát triển tốt.

Nông dân xã Báo Đáp trao đổi kinh nghiệm nuôi ong mật.
Nông dân xã Báo Đáp trao đổi kinh nghiệm nuôi ong mật.

Nhận thấy tiềm năng đó, hàng chục năm trước, nhiều hộ ở xã Báo Đáp đã tập trung phát triển nuôi ong lấy mật, nhưng phải vài năm gần đây nghề này mới thực sự trở thành sinh kế của nhiều hộ dân. Đặc biệt, năm 2021, Đảng bộ xã Báo Đáp đã đề ra mục tiêu xây dựng mật ong trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của xã.

Đến thăm mô hình nuôi ong mật của gia đình ông Hoàng Văn Lợi ở thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp, chúng tôi được biết, ban đầu ông Lợi chỉ muốn nuôi ong phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, nhưng thấy hiệu quả rõ rệt ngay từ vụ đầu tiên nên ông quyết định nhân rộng và duy trì quy mô 30 đõ/vụ. Nhằm tạo nguồn thức ăn ổn định và dễ dàng kiểm tra, phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong nuôi, ông Lợi thường đặt tổ ong nơi thoáng mát, sạch sẽ, gần khu vực có nhiều hoa. Mật ong đảm bảo chất lượng, nên ông thu hoạch đến đâu có người thu mua đến đó. 

Ông Lợi chia sẻ: "Mùa thu hoạch mật ong thường bắt đầu từ khoảng tháng 3 đến tháng 8 âm lịch với nhiều đợt thu hoạch cách nhau khoảng 15 ngày, bởi đây là mùa ong làm việc hiệu quả nhất trong năm. Trung bình mỗi đõ ong một năm sẽ cho thu hoạch khoảng 8 - 10 lít mật, được bán với giá ổn định từ 150.000 - 200.000 đồng/lít. Người nuôi ong ở xã Báo Đáp thường chờ tới khi ong vít nắp từ 90% tổng số lỗ đựng mật trở lên mới thu hoạch, nên mật ong luôn giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên và không bị chua mà còn sánh mịn”. 

Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Đức Thọ ở thôn Làng Qua, xã Báo Đáp cũng đang tất bật với công việc thăm tổ, nhân đàn để chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mới. Ông Thọ là một trong những gia đình đầu tiên ở xã Báo Đáp phát triển kinh tế từ nghề này với quy mô trung bình khoảng 60 đõ/vụ. Nuôi ong không quá phức tạp vì vườn nhà rộng lại gần khu vực rừng núi nên các loài hoa làm nguồn thức ăn cho ong phong phú. 

Tuy nhiên, đầu vụ khi hoa nhãn nở rộ là lúc mật ong thơm ngon nhất, được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, nên giá thành thường cao hơn các loại mật hoa khác khoảng 50.000 - 70.000 đồng/lít. Đặc biệt, do biết cách chăm sóc và nhân giống, nên ông Thọ còn là địa chỉ tin cậy để nhiều hộ gia đình trong xã tìm đến đặt mua ong giống. 

Ông Thọ cho biết: "Để ong cho lượng mật có chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn sánh vàng, thơm ngon, người nuôi ong cần chú trọng kỹ thuật nuôi từ khâu chọn con giống đến chọn địa điểm, tạo chúa cho đến việc thu hoạch mật. Nhiều hộ còn tỉ mỉ ghi nhật ký chăm sóc ong, đánh dấu đàn bị bệnh để tránh lượng mật không đảm bảo bán ra thị trường. Cùng với đó, chủ động che chắn và vệ sinh thùng ong sạch sẽ để phòng trừ dịch bệnh, bởi ong rất dễ mắc các bệnh như: thối ấu trùng, ấu trùng túi…”. 

Sự cần mẫn, tỉ mỉ trong chăm sóc đã giúp ong ở Báo Đáp phát triển khỏe mạnh, cho mật chất lượng cao; trong đó, mật ong hoa nhãn là sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích nhất. Được biết, đến nay, xã Báo Đáp đã có 100 hộ phát triển kinh tế từ nuôi ong lấy mật. Nhiều hộ có quy mô trên 100 đõ mỗi vụ, hộ nuôi ít cũng có khoảng 40 đõ, tập trung chủ yếu ở các thôn có diện tích đồi rừng lớn như thôn Làng Qua, Làng Gặt và thôn Phố Hóp. 

Đồng chí Vi Việt Trung - Bí thư Đảng ủy xã Báo Đáp khẳng định: "Chương trình OCOP đã phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng, giúp người dân có thêm việc làm, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm kinh tế. Việc người dân xã Báo Đáp tập trung mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong tự nhiên, sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người nông dân”.

Để xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP là một trong những điều kiện trong chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, góp phần đưa những sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng, thế mạnh của xã đến với thị trường tiêu thụ ngoài địa bàn huyện, Đảng bộ, chính quyền xã Báo Đáp đã và đang tập trung hướng dẫn các hộ sản xuất xây dựng tổ hợp tác từ 5 đến 10 thành viên với nòng cốt là các thành viên Hội Cựu chiến binh xã. 

Các thành viên sẽ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong chăm sóc ong như: kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, chia đàn, nhận biết ong chúa, thu hoạch mật, cam kết nuôi ong đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, đăng ký xây dựng thương hiệu và nhãn mác truy xuất nguồn gốc…
Mai Linh

Tags nghề nuôi ong mật vùng dâu tằm huyện nông thôn mới

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục