Yên Bình thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP
- Cập nhật: Thứ năm, 15/7/2021 | 6:49:29 AM
YênBái - Hỗ trợ và thúc đẩy các sản phẩm OCOP năm 2021 trên địa bàn huyện Yên Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam đã thực hiện chương trình khảo sát, đánh giá thực trạng các sản phẩm. Qua đó, 8 sản phẩm đã được lựa chọn để tiến hành khảo sát.
Sản phẩm OCOP 4 sao “Bưởi Đại Minh”, huyện Yên Bình.
|
>> Hội thảo kết quả khảo sát, đánh giá sản phẩm OCOP huyện Trấn Yên năm 2021
Yên Bình có vị trí địa lý cửa ngõ của vùng Tây Bắc, trung tâm huyện cách trung tâm tỉnh Yên Bái 4,5 km, cách Hà Nội 170 km. Vị trí này tạo điều kiện thuận lợi, quan trọng để địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ. Với lĩnh vực nông nghiệp, huyện có nhiều tiềm năng để phát triển như: hàng năm, sản lượng chè búp tươi đạt 15.000 - 17.000 tấn, trên 70.000 tấn sắn củ tươi, gỗ khai thác 100.000 m3.
Đặc biệt, trên 15.900 ha diện tích mặt nước hồ Thác Bà là một lợi thế để Yên Bình phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị cao. Lợi thế mặt nước với trên 1.300 đảo lớn nhỏ và hang động tự nhiên còn là tiềm năng vô cùng to lớn để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch. Căn cứ kế hoạch Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) huyện Yên Bình năm 2021 và danh mục các sản phẩm OCOP của huyện giai đoạn 2020 - 2025, đoàn công tác đã lựa chọn 8 sản phẩm tiềm năng tiến hành khảo sát.
Thực hiện chương trình khảo sát, đoàn đã trực tiếp xuống cơ sở, gặp các chủ thể để xác định rõ các sản phẩm tiềm năng có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP, đánh giá chấm điểm theo Bộ tiêu chí OCOP, xác định điểm số của từng sản phẩm, các tiêu chí đã đạt và các tiêu chí còn thiếu để đưa ra phương hướng thúc đẩy, hỗ trợ cho chủ thể. Đoàn đã có kết quả cụ thể của từng phần cho 8 sản phẩm qua quá trình khảo sát thực tế với các chủ thể trong thời gian 7 ngày.
Trong số 8 sản phẩm, qua đánh giá, có 1 sản phẩm đạt 4 sao là "Điểm du lịch sinh thái Ruby” của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hồ Thác Bà, thị trấn Yên Bình; có 2 sản phẩm đạt 3 sao là "Chè xanh Hán Đà” của Hợp tác xã Cựu chiến binh Hán Đà, xã Hán Đà và "Chè Shan tuyết Hương Lý” của Hợp tác xã Sản xuất, chế biến chè Hương Lý, thị trấn Yên Bình; còn lại 5 sản phẩm đạt 2 sao là "Lúa đặc sản nếp Lếch Bảo Ái”, "Cá diêu hồng phi lê”, "Cá rô phi phi lê”, "Bưởi Diễn Đại Minh”, "Gà đồi Linh Môn”. Thông qua chương trình khảo sát, các chủ thể sản phẩm đã được đoàn công tác chỉ ra những nội dung cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, kể cả các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao.
Với sản phẩm "Điểm du lịch sinh thái Ruby” đạt 4 sao, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch hồ Thác Bà cần nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đến người dân trong và ngoài tỉnh.
Với 2 sản phẩm đạt 3 sao là "Chè xanh Hán Đà” và "Chè Shan tuyết Hương Lý”, các chủ thể cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, câu chuyện sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất quy mô lớn và mở rộng thị trường phân phối sản phẩm, có hợp đồng liên kết sản xuất, có đầy đủ hồ sơ và thủ tục về môi trường để đạt được mức 4 sao. Với 5 sản phẩm đạt 2 sao, các chủ thể sản phẩm cũng cần tiếp tục hoàn thiện các nội dung mà đoàn công tác đã chỉ ra để đạt hạng 3 sao.
Những khó khăn thực tế của các chủ thể sản phẩm như: tiếp cận chương trình còn chậm; làm hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia đánh giá còn lúng túng; tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao… cần được khắc phục và giải quyết kịp thời. Ông Phạm Thành Đạt - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình khẳng định: "Sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng cùng sự chủ động của các chủ thể sản phẩm OCOP nhằm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung là cơ sở quan trọng để huyện Yên Bình hoàn thành kế hoạch Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” năm 2021”.
Nguyễn Thơm
Tags Yên Bình sản phẩm OCOP
Các tin khác
6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt trên 1.642 tỷ đồng. Đây là tín hiệu khả quan khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức rất lớn đối với nền kinh tế và công tác thu ngân sách.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện xã Kiên Thành (Trấn Yên) có 1.495 hộ dân đang thâm canh, chăm sóc trên 1.800 ha tre măng Bát độ, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 1.500 ha. Thâm canh nâng cao giá trị cây tre măng Bát độ đang là hướng đi hiệu quả của địa phương.
Ngày 14/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo kết quả khảo sát, đánh giá và kế hoạch thúc đẩy sản phẩm OCOP huyện Trấn Yên năm 2021.