Yên Bái là tỉnh có diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn với trên 549.000 ha và nằm trong tiểu vùng khí hậu khác nhau đã tạo ra cho nông nghiệp các loại cây, con đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao.
Hiện, tỉnh hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thủy sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu.
Tuy nhiên, thời gian qua, các mặt hàng nông lâm sản của tỉnh chủ yếu xuất sang các nước Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Đức, Pakistan, giá trị xuất khẩu thấp. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu nông, lâm sản của tỉnh giảm sút đáng kể. Cụ thể trong 7 tháng năm 2021, trong khi các nhóm hàng khác đều có giá trị xuất khẩu tăng thì nhóm hàng nông, lâm sản và nông, lâm sản chế biến đạt trên 14 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ.
Để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh; nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm đáp ứng các quy định của các thị trường nhập khẩu; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh trên thị trường quốc tế, vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030.
Kế hoạch nêu rõ: mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025, giá trị xuất khẩu nông, lâm sản đạt 23 triệu USD. Trong đó nhóm nông, lâm sản chính như: chè đạt khoảng 3 triệu USD, sắn đạt khoảng 3,3 triệu USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt khoảng 15 triệu USD, quế đạt khoảng 1 triệu USD.
Giai đoạn 2025 - 2030, giá trị xuất khẩu nông, lâm sản đạt 30 triệu USD. Trong đó, nhóm nông, lâm sản chính như chè đạt khoảng 4 triệu USD, sắn đạt khoảng 4 triệu USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt khoảng 20 triệu USD, quế đạt khoảng 1,5 triệu USD.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 5/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 và các văn bản có liên quan; tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu.
Cùng với đó, các ngành chức năng thường xuyên cung cấp thông tin thị trường nước ngoài để định hướng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh; các quy định khi xảy ra tranh chấp thương mại; thường xuyên tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng, cụ thể hóa các chính sách của Trung ương vào điều kiện thực tế của địa phương.
Các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 16/12/2020 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025; xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Các sở, ngành liên quan rà soát, bổ sung tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hoá các thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, đăng ký danh sách doanh nghiệp, danh mục sản phẩm được phép xuất khẩu, thủ tục hải quan…).
Bên cạnh đó sẽ tổ chức tốt các hoạt động xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại đối với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung áp dụng sản phẩm nông nghiệp tốt, sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc biệt đối với việc phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm chế biến sâu nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chú trọng phát triển thị trường nông sản, các kênh phân phối, đa dạng hóa thị trường đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất.
Đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh và đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư vùng nguyên liệu, đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ chế biến, quy trình quản lý để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Đồng thời, mời gọi những doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ năng lực, nội lực, có đủ tiêu chuẩn tham gia, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản cũng như xuất khẩu sản phẩm chè, quế, dâu tằm, măng tre, tinh bột sắn… của tỉnh. Đẩy mạnh liên kết ngang giữa nông dân trong hợp tác xã, doanh nghiệp; liên kết vùng trong tỉnh, các tỉnh trong vùng và cả nước.
Hồng Duyên