Đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu và nhân lực lao động
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), hiện nay các doanh nghiệp trong ngành đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cả 2 điểm "cung” và "cầu”. Đặc biệt, mặc dù nguồn cung có, nhu cầu của các thị trường sau dịch COVID-19 tăng, nhưng khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ do các quy định về phòng dịch phức tạp và không thống nhất giữa nhiều địa phương.
Đặc trưng của nền sản xuất nói chung và ngành công nghiệp dệt may, da giày nói riêng là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng cả về nguyên liệu sản xuất và nhân lực lao động.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas cho hay, nhiều doanh nghiệp khó tổ chức sản xuất theo "3 tại chỗ” (3T), một số doanh nghiệp tổ chức được thì lại gặp khó khăn về tập hợp nhân lực lao động.
"Vấn đề nhân lực lao động còn tiếp tục khó khăn trong thời gian dài, bởi hiện nay lao động đã về quê hết. Sau dịch bệnh, việc tuyển dụng lao động sẽ nhiều khó khăn” – ông Trần Đức Giang cho biết.
Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giầy tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế 3T và "một cung đường, hai điểm đến”. Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giầy chỉ hoạt động với công suất 50%-70%, do giãn cách xã hội và thiếu lao động.
Đối với ngành da giầy, theo phản ánh của các doanh nghiệp, từ đầu tháng 5.2021 đến nay, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, đã ảnh hưởng đến sản xuất, gây thiếu nguyên liệu và nhân công lao động, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các đơn hàng trong các tháng cuối năm 2021.
Một số doanh nghiệp đang cầm cự để hoạt động, dịch bệnh COVID-19 căng thẳng buộc các doanh nghiệp phải giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống COVID-19...
Giải pháp "cứu nguy” cho doanh nghiệp trước tác động của COVID-19
Cũng theo Vitas, ngoài việc thiếu vaccine để tiêm cho người lao động thì vấn đề tài chính, chi phí lãi vay… đang là gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Mới đây, tại văn bản số 147/2021/VITAS-CS góp ý về Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Chính phủ, Vitas đề nghị cắt giảm các chi phí để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó bao gồm việc giảm 30% giá điện cho các kho chứa hàng hóa của các doanh nghiệp logistics cho đến hết năm 2021.
Đồng thời kèm theo hàng loạt kiến nghị khác như dừng, giảm, hoãn thu phí cảng biển theo từng giai đoạn cụ thể; Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giãn, thời gian trả nợ gốc và lãi; Miễn, giảm phí BHXH...
(Theo LĐO)