Cần khẳng định rõ vai trò quản lý
Theo ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh vào thị trường Việt Nam là để phục vụ chế biến thực phẩm theo nhu cầu thị trường và của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết: "Người tiêu dùng không mua lẻ thịt đông lạnh để ăn nên việc nhập khẩu thịt đông lạnh không ảnh hưởng giá thịt lợn trong nước”. Ông Trọng cũng cho rằng, không thể dùng các văn bản hành chính để yêu cầu các doanh nghiệp giảm nhập khẩu thịt lợn đông lạnh khi thị trường có nhu cầu và giá lợn hơi lên, xuống là phải tuân theo quy luật thị trường.
Tuy nhiên, các thương nhân ngành chăn nuôi lợn bày tỏ bất bình, cho rằng giá lợn hơi đang rớt "thủng đáy” do mức tiêu thụ quá ít và sức mua kém vì một phần tác động của số lượng thịt đông lạnh gần 230.000 tấn ồ ạt được nhập về trong 9 tháng qua. Đã gắn bó với ngành chăn nuôi lợn 25 năm, ông Nguyễn Tuấn – một "đại gia” chăn nuôi tại Đông Nam Bộ bày tỏ ý kiến bất bình: "Dù là thịt đông lạnh chỉ để chế biến, nhưng nếu không nhập thịt đông lạnh về, các doanh nghiệp sẽ sử dụng thịt lợn nuôi trong nước để chế biến, góp phần tiêu thụ thịt lợn nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Văn Huân, chủ trang trại 22.000 con lợn tại Bình Thuận cũng cho rằng: "Giá heo (lợn) sẽ tiếp tục giảm ít nhất 2-3 tuần nữa và đáy sẽ là 25.000 đồng/kg đối với heo trên 130kg và 35.000 đồng/kg đối với heo tiêu chuẩn. Với giá này, nông dân chỉ có phá sản. Nếu đại diện ngành chăn nuôi nói việc nhập thịt đông lạnh theo cung - cầu..., thì vai trò quản lý nhà nước nằm ở chỗ nào? Vậy tại sao khi giá heo lên, Bộ NNPTNT lại can thiệp, yêu cầu các doanh nghiệp hạ giá xuống và đề nghị đưa giá thịt heo vào mặt hàng bình ổn, đồng thời hô hào người nuôi ồ ạt tái đàn để kéo giá thịt heo xuống, dù dịch tả lợn Châu Phi chưa được kiểm soát?” – ông Huân nêu câu hỏi.
Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc và miền Trung cũng chung dự báo, giá lợn hơi sẽ giảm xuống mức 25.000 đồng/kg.
Giải pháp nào để cứu ngành chăn nuôi trong nước?
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, rất khó để can thiệp vào giá thịt lợn tại thời điểm này, phải để giá lợn hơi vận hành theo quy luật cung - cầu của thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, ngành chăn nuôi cần tìm hướng để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, trong đó có thể xuất khẩu lợn nguyên con sang Campuchia, Lào, Thái Lan... để giảm bớt dư thừa trong nước.
"Nếu được hỗ trợ về thủ tục, tạo điều kiện để xuất khẩu thịt lợn, doanh nghiệp của tôi có thể xuất khẩu ngược lợn sang Lào, Thái Lan. Năm 2017, doanh nghiệp của tôi đã xuất khẩu 50 nghìn con lợn sang Lào, trong đó có 30.000 lợn con và 20.000 con lợn thương phẩm" - ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Thành Đô Nghệ An, thông tin.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng, chỉ cần Bộ NNPTNT hay Bộ Công Thương có giải pháp quản lý tốt là giá lợn hơi sẽ lên.
"Chỉ cần Bộ NNPTNT có động thái thông tin về việc giết mổ heo để trữ đông, hay cơ quan quản lý thị trường của Bộ Công Thương thông báo sẽ thanh tra, kiểm tra giá thịt heo trong siêu thị..., khi giá thịt heo trong siêu thị giảm xuống, lập tức "cầu" sẽ tăng lên và giá heo hơi trên thị trường sẽ tăng" - ông Nguyễn Huân gợi ý.
(Theo LĐO)