Hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực: Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, đồng thời rà soát, ban hành quy định pháp lý đáp ứng mô hình ngân hàng số, các dịch vụ ngân hàng số, hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới, bảo vệ dữ liệu, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, an ninh, an toàn.
Các chuyên gia khẳng định, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, tiết kiệm), thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh, nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số. Ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực.
Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người dùng dịch vụ trên không gian số.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho biết: "Việc chuyển đổi số trong thời đại cách mạng 4.0, các ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu người dân, xu hướng thời đại, bắt buộc các ngân hàng có tư duy đổi mới. Việc triển khai từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng tương tác là lấy khách hàng làm trung tâm, khác với trước đây là lấy sản phẩm làm trung tâm. Các ngân hàng cần chuẩn bị tâm thế để bước vào công cuộc chuyển đổi số”.
Ông Phùng Duy Phương, Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối bán lẻ ngân hàng Việt Nam thịnh vượng VP Bank nhận định: Xu hướng phát triển ngân hàng số trong tương lai có 3 trụ cột là giải pháp ngân hàng thông minh, tự động toàn diện và cá nhân hoá. Hiện nay, các ngân hàng đều tập trung xây dựng ứng dụng mobile banking. Thời gian tới, một ứng dụng mobile banking có thể thành siêu ứng dụng, cung cấp đầy đủ giải pháp tài chính cho khách hàng, từ tài khoản, thẻ, thanh toán, tiết kiệm, các khoản vay cho đến đầu tư.
Theo khảo sát, có một số sản phẩm dịch vụ mà khách hàng đang mong muốn được nâng cấp dịch vụ trong tương lại gồm mở tài khoản thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động, thẻ ghi nợ nội địa được phát hành phi vật lý, tức là phát hành trên ứng dụng, khách hàng có thể sử dụng ngay sau khi đăng ký.
Ông Phùng Duy Phương khẳng định số hoá ngân hàng toàn diện mang đến lợi ích to lớn cho cả ngân hàng và người sử dụng: "Có thể nói 100% sản phẩm dịch vụ của ngân hàng có thể cung ứng qua hành trình số hoá, để trải nghiệm tốt hơn. Đối với ngân hàng có thể giảm được chi phí vận hành, ngân hàng VP bank đầu tư số hoá từ năm 2017, chi phí trên doanh thu năm 2017 là 44%, đến năm 2020 là 29%. Và cụ thể chi phí cho giao dịch tài chính trên digital thấp hơn đến 96% so với giao dịch tại chi nhánh. Tự động hoá dịch ngân hàng toàn diện mang đến kết quả win-win là cả ngân hàng và khách hàng đều có lợi”.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Để thực hiện mục tiêu nói trên, cần có sự tham gia, phối hợp tích cực từ các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan không chỉ là ngành ngân hàng.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Chuyển đổi nhận thức; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ Cách mạng Công nghiệp 4.0 để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi với chi phí thấp; bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
(Theo VOV)