Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo đánh giá về Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, trong đó, ghi nhận ý kiến của cơ quan kiểm toán về tổng mức đầu tư, nguồn vốn và tiến độ dự án…
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước nhất trí với quan điểm cần thiết đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông của Chính phủ tại Tờ trình số 568/TTr-CP ngày 21/12/2021. Trong đó, việc đầu tư dự án là phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.
Tuy nhiên, về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn, Kiểm toán Nhà nước cho rằng tổng giá trị đầu tư dự án có thể thấp hơn so với tờ trình của Chính phủ.
Có thể rẻ hơn 16.330 tỷ đồng
Cụ thể, tại tờ trình số liệu sơ bộ tổng mức đầu tư dự án, cơ quan soạn thảo ước tính với quy mô 4 làn xe, dài 729 km, tổng giá trị đầu tư dự án cao tốc này là 146.990 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là 95.837 tỷ; chi phí giải phóng mặt bằng là 19.097 tỷ; chi phí quản lý dự án, tư vấn, khác chiếm 12.015 tỷ và chi phí dự phòng là 20.041 tỷ đồng.
Như vậy, bình quân mỗi km đường dự án cao tốc Bắc - Nam theo tờ trình sẽ là 175,4 tỷ (không tính chi phí giải phóng mặt bằng).
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng số liệu sơ bộ kể trên chưa có thông tin thuyết minh về việc đã tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần và chưa làm rõ một số yếu tố làm ảnh hưởng đến số liệu này.
Cụ thể, về cơ cấu chi phí, cơ quan kiểm toán cho biết chi phí quản lý, tư vấn, khác trong sơ bộ tổng mức đầu tư dự án này tính 12,5% trên chi phí xây lắp, thiết bị. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với dự án cùng quy mô 4 làn xe là đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1) khi chỉ tính tỷ lệ 7%.
Về chi phí xây dựng, chiều dài phần tuyến sau khi trừ chiều dài phần cầu và hầm chưa phù hợp, với tổng giá trị gần 125 tỷ; đơn giá phần tuyến dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, dự án thành phần 12 (Hậu Giang - Cà Mau) theo sơ bộ tổng mức đầu tư xác định hệ số vùng chưa phù hợp.
Ngoài ra, chi phí hầm chui dân sinh bị tính trùng do đã có trong suất đầu tư đường. Điều này làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư tại dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang 307 tỷ và 512 tỷ tại dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau.
Về dự phòng, chỉ số giá xây dựng tính toán trong sơ bộ tổng mức đầu tư thiếu chỉ số giá xây dựng năm 2020, năm gần nhất theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Trong khi dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong chỉ số giá còn chưa phù hợp.
Vì vậy, theo kết quả kiểm toán một số dự án đường cao tốc có quy tương tự (4 làn xe), như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 và căn cứ Thông tư 11/2021 hướng dẫn quy đổi chi phí về năm tính toán, sử dụng chỉ số giá xây dựng bình quân năm 2018, 2019, 2020, Kiểm toán Nhà nước xác định lại số liệu sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là 130.605 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là 89.111 tỷ; chi phí giải phóng mặt bằng là 19.097 tỷ; chi phí quản lý dự án, tư vấn, khác là 6.036 tỷ và dự phòng dự án là 16.361 tỷ đồng.
Như vậy, tổng chi phí đầu tư dự án do cơ quan kiểm toán ước tính thấp hơn 16.330 tỷ so với tờ trình của Chính phủ, tương đương chi phí bình quân 152,9 tỷ/km (không bao gồm GPMB).
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của các dự án, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư. Tham khảo số liệu của dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 để bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 và đảm bảo có đủ vốn triển khai hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.
Tính toán lại tiến độ dự án
Cũng tại báo cáo, Kiểm toán Nhà nước cho biết trong tờ trình của Chính phủ ghi nhận trong giai đoạn 2021-2025, dự án cần bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (81,4% tổng mức đầu tư), phần còn lại (khoảng 27.324 tỷ) sẽ được chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026-2030.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, số tiền dự kiến bố trí đạt khoảng 47.169 tỷ. Như vậy, giai đoạn 2021-2025, cần bổ sung khoảng 72.497 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc - Nam, kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Ngoài ra, tờ trình đưa ra nguyên tắc ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đầy tăng trưởng cho nền kinh tế, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành…
Tuy nhiên, Kiểm toán cho biết nguyên tắc điều hoà nguồn vốn giữa các dự án được Chính phủ đưa ra chưa có đánh giá đầy đủ yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án, chưa có đánh giá cụ thể khả năng hấp thụ vốn đầu tư của các dự án dự kiến đầu tư trong năm 2024-2025 được đẩy tiến độ đầu tư vào năm 2022-2023.
Bên cạnh đó, những vướng mắc trong việc sắp xếp lại nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cũng như nguồn vốn bổ sung chưa được bảo đảm chắc chắn khi tại thời điểm hiện nay.
Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung thông tin khả năng cân đối nguồn vốn này.
Về tiến độ, dự kiến tiến độ thi công dự án là từ 6/2023 đến năm 2025, kéo dài 2,5 năm. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho biết chưa có thuyết minh cụ thể tiến độ các giai đoạn thi công (nền đường, mặt đường, cầu…) và tiến độ dự án có sự khác biệt nhiều so với tiến độ của dự án tương tự là Mỹ thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 (khởi công năm 2020 đến năm 2023, kéo dài 3,5 năm).
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan rà soát, tính toán, xác định lại nguồn vốn đầu tư cho từng giai đoạn để đảm bảo cân đối được nhu cầu vốn hàng năm của dự án.
(Theo VTC)