Năm 2015, gia đình chị Đoàn Thị Hiên - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thông qua ủy thác với tổ chức Hội Phụ nữ. Từ nguồn vốn vay và nguồn lực của gia đình, gia đình chị đầu tư trồng cây ăn quả có múi. Ban đầu chị chỉ trồng 100 cây cam. Thấy cây phát triển tốt, phù hợp với đất, gia đình chị mở rộng diện tích lên trên 7 ha rồi lên 15 ha vào năm 2019. Đến nay, gia đình chị có trên 20 ha cây ăn quả có múi cho thu nhập hàng năm từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng.
Từ mô hình của gia đình chị Hiên, nhiều hội viên phụ nữ trong thôn học tập theo. Đến nay, trong thôn có trên 100 hộ gia đình hội viên phụ nữ phát triển kinh tế bằng trồng cây ăn quả có múi. Riêng gia đình chị Hiên còn giúp tạo việc làm cho 10 -15 phụ nữ trong thôn.
Chị Hờ Thị Nu - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu cũng là một điển hình vượt khó từ đồng vốn vay chính sách. Vợ chồng chị Nu ra ở riêng được bố mẹ chia cho 1.000 m2 ruộng. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Tìm cách thoát nghèo, thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, chị Nu mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế gia đình. Nguồn vốn vay ban đầu chị đầu tư mua 5 con dê, 2 con trâu, 1 con bò. Có thêm thu nhập, chị lại tiếp tục nhân thêm đàn gia súc, mua thêm đất sản xuất nông nghiệp.
Dần dà, đến nay, gia đình chị có đàn gia súc với số lượng lớn, trong đó có đàn dê vài trăm con; đồng thời, còn chăn nuôi thêm lợn, gà kết hợp gieo cấy gần 6.000 m2 lúa nước 2 vụ/năm, trồng 4.000 m2 ngô và 1.000 m2 khoai sọ. Tổng thu nhập của gia đình chị Nu giờ đạt khoảng 200 triệu đồng/năm.
Trước đây, gia đình chị Triệu Thị Cói ở thôn Khe Chung, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên thuộc diện hộ nghèo. Cũng thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, chị Cói được vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế. Từ đồng vốn vay, gia đình chị trồng được 4 ha quế và đầu tư một số máy móc để 2 vợ chồng đi làm xây dựng. Chăm chỉ, chịu khó, hai vợ chồng chị đã thực hiện nhiều công trình xây dựng trong xã, cùng với diện tích quế, thu nhập của gia đình ngày một cải thiện. Giờ đây, gia đình chị còn vươn lên thành hộ khá, đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi.
Những năm qua, tín dụng CSXH là giải pháp quan trọng đối với hội liên hiệp phụ nữ các cấp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và đặc biệt là thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Phong trào "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, góp phần giúp hội viên phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đến cuối năm 2021, tổng nguồn vốn dư nợ Ngân hàng CSXH của các cấp Hội là 1.156 tỷ đồng, cho trên 26.000 hộ vay, tại 751 tổ tiết kiệm và vay vốn, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,1% so với tổng dư nợ ủy thác. Được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi ở từng địa bàn, nhiều gia đình hội viên, nhất là hội viên người dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo, có kinh tế khá với mức thu nhập ổn định, trở thành điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa cho nhiều hộ nghèo khác học tập, khẳng định rõ nét hiệu quả đồng vốn chính sách khi được sử dụng, đầu tư đúng cách.
Thu Hạnh