Rà soát toàn bộ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan

  • Cập nhật: Thứ bảy, 6/8/2022 | 8:04:40 AM

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị rà soát lại toàn bộ các thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu tối đa sự chồng chéo, tránh lãng phí thời gian thông quan.

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Chiều 5/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) đã chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban.

Cuộc họp nhằm tổng kết công tác năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại.

Hoàn thành trao đổi tờ khai hải quan trong khối ASEAN

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ủy ban 1899, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, tính đến ngày 30/6/2022, đã có 249/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với gần 4,95 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp.

Đối với chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban 1899 tại công văn số 6007/VPCP-KTTH ngày 30/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, chậm nhất quý 1/2022, các bộ, ngành cần hoàn thành triển khai chính thức 35 thủ tục hành chính. Tính đến ngày 30/6/2022, đã có 25/35 thủ tục hành chính được triển khai.

Ở Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, Việt Nam tiếp tục kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước ASEAN để hoàn thành triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan đối với tất cả các nước ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung. Với các quốc gia ngoài ASEAN, Bộ đang trong quá trình xác nhận để mở kênh kết nối chính thức.

Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật. Các nước ASEAN cũng đang trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Trong triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, Bộ Tài chính đã hoàn thành trao đổi thông tin tờ khai hải quan thử nghiệm qua kênh kết nối bảo mật với Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Hai Bộ Tài chính và Công Thương đang phối hợp đàm phán xây dựng Nghị định thư, đã thống nhất Phụ lục yêu cầu kỹ thuật, chuẩn bị nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.

Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ các ngành cơ bản New Zealand để thống nhất giải pháp xây dựng hệ thống kỹ thuật phục vụ triển khai Thỏa thuận tạo thuận lợi thương mại giữa Việt Nam và New Zealand.

Về triển khai công tác tạo thuận lợi thương mại, đại diện Bộ Tài chính cho biết trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến ùn ứ, ách tắc hàng hóa, phương tiện vận tải, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế.

Trước tình hình đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hoa quả, trái cây như: thành lập ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; trao đổi thông tin với đối tác để bàn giải pháp phối hợp xử lý tình trạng ùn tắc, thúc đẩy thông quan hàng hóa qua biên giới; mở đợt cao điểm thông quan hàng hóa; xây dựng "vùng xanh,” "vùng đệm” ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch hài hòa với đối tác.

Trong triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã thực hiện đúng lộ trình cam kết TFA với WTO và đã đạt được những tiến triển đáng kể với tỷ lệ đạt trên 80%.

Theo kế hoạch, tỷ lệ thực thi TFA của Việt Nam sẽ đạt 94,5% vào ngày 31/12/2023 và 100% vào ngày 31/12/2024.

Tạo thuận lợi cho hoạt động phát triển logistics quốc gia

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến đối với công tác tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics.

Theo đại diện Bộ Công Thương, cơ quan đầu mối điều phối phát triển logistics quốc gia, mặc dù số lượng doanh nghiệp có sự gia tăng nhưng các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp đăng ký số vốn dưới 10 tỷ đồng, 1% có mức vốn trên 100 tỷ đồng. 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký ở loại hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong cả nước nhưng ngành dịch vụ logistics Việt Nam lại cho thấy một số dấu hiệu tích cực khi trong năm 2021, số vốn đăng ký ngành logistics đạt trên 50.000 tỷ đồng, tăng 8,8% về số lượng nhưng số lao động lại giảm 6,9% so với năm 2020. Điều này thể hiện xu hướng gia tăng quy mô vốn của các công ty và hiện đại hóa quy trình nhằm giảm phụ thuộc vào lao động chân tay tại các doanh nghiệp logistics.

Các đại biểu nhất trí hoạt động phát triển logistics quốc gia đã có đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu, đưa hoạt động này trở thành điểm sáng.

Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668 tỷ USD, tăng 57,6% so với năm 2017, tăng 22,8% so với năm 2020. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 371 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, hạ tầng logistics ngày càng được cải thiện; số lượng doanh nghiệp logistics gia tăng; hoạt động đào tạo, ứng dụng công nghệ các hoạt động khác hỗ trợ tích cực cho ngành dịch vụ logistics. Cơ chế đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước về logistics với doanh nghiệp và công tác thông tin tuyên truyền nhằm phát triển dịch vụ logistics được tăng cường…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, hoạt động phát triển logistics quốc gia còn thiếu một nhận thức và quyết tâm đủ lớn để thực sự đặt dịch vụ này vào đúng tầm, để có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong phát triển ngành. Nhận thức về logistics cũng khác nhau giữa các địa phương dẫn đến việc triển khai không đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các nơi.

Bên cạnh đó, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ còn yếu; điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt…

Khẩn trương rà soát cơ sở pháp lý

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ghi nhận, đánh giá cao Báo cáo của Bộ Tài chính và các thành viên Ủy ban 1899 liên quan đến việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thương mại.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Ủy ban 1899, các bộ, ngành đã triển khai và đạt được một số kết quả tốt trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thương mại; từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, xuất nhập cảnh người và phương tiện vận tải.

Về công tác kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng đánh giá cao một số bộ, ngành đã thực hiện rà soát, kiểm tra chuyên ngành đối với Quyết định 1254/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 cùng Quyết định 1258/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định 1254/QĐ-TTg với tinh thần tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Đến nay, 89% các bộ, ngành hoàn thành công tác, chỉ còn lại 4 bộ: Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an. Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị này cần hoàn thành sớm công tác rà soát hai quyết định trên.

Về hoạt động phát triển logistics quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục chủ động rà soát lại các cơ sở pháp lý bởi đây là lĩnh vực hết sức quan trọng đối với phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị rà soát lại toàn bộ các thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu tối đa sự chồng chéo, tránh lãng phí thời gian thông quan. Thủ tục nào không sử dụng nhiều hoặc không có nhiều tác dụng, các bộ, ngành, đơn vị trình Ủy ban 1899 để có phương án cắt giảm phù hợp.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc cấp thiết là nhanh chóng xây dựng nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa quốc gia phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu từ nay đến cuối năm Bộ bố trí kinh phí cho các hoạt động của Ủy ban 1899, đảm bảo công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại được thực hiện thông suốt, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác

Triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong 7 tháng năm 2022, Tổng cục Thuế đã thực hiện các giải pháp miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, với tổng số tiền gần 79.000 tỷ đồng.

Công ty TNHH thu phí tự động VETC đã thông báo sẽ thu phí dán thẻ từ 0 giờ ngày hôm nay (6/8).

Các đơn vị sự nghiệp công lập phải giảm chi thường xuyên từ 2-3% trong năm 2023.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 47/2022/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch dự toán - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập phải giảm chi thường xuyên từ 2-3% trong năm 2023.

Giá vàng tăng. Ảnh minh họa

Sáng 5-8, giá vàng trong nước tăng thêm 300.000 - 450.000 đồng/lượng ở chiều bán, lên sát mốc 68 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục