Xu hướng kinh tế tuần hoàn
"Chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”. Đây là quan điểm được nêu tại Đề án "Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ban hành vào tháng 6/2022.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xác định, tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở nâng cao nhận thức, chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng xã hội.
Quyết định cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể đối với phát triển kinh tế tuần hoàn, như: Góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu phát thải dòng về "0” vào nám 2050; đến năm 2030 các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, tỷ lệ chất rắn thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý, đảm bảo tiêu chuẩn thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế.
Không chỉ tại Việt Nam, theo phát biểu tại Hội thảo Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tổ chức vào sáng 7/9, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng: Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng mạnh mẽ của nhiều quốc gia trên thế giới bởi lợi ích không chỉ về kinh tế mà về môi trường.
Hiện đã có khoảng 30 quốc gia trên thế giới đang xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, như: Uỷ ban châu Âu và các quốc gia thành viên như Hà Lan, Đức, Pháp, Phần Lan…; Australia, Nhật Bản, Trung quốc
"Năm 2021 Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN đã thông qua Khung Kế hoạch thực hiện kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng kinh tế ASEAN để thực hiện tại các nước thành viên ASEAN” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thông tin.
Để triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các bộ, ngành đang triển khai nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn để trình Chính phủ xem xét vào quý I/2023.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, xây dựng ban hành khung hướng dẫn thực hiện kinh tế tuần hoàn và sửa đổi bổ sung các quy định, quy chế khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh theo hướng tuần hoàn.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, năm 2021 Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường dựa trên định hướng chung là thúc đẩy chuyển đổi xanh, luật này đã dành riêng 1 điều (Điều 142) quy định riêng về kinh tế tuần hoàn. Qua đó cho thấy, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cần thêm giải pháp khuyến khích
Mặc dù đã có chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, trong những năm qua tại Việt Nam, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Song theo PGS, TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiêp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, là một nước thu nhập trung bình thấp, nên khó khăn khi chuyển sang kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, thể chế, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy mô hình này phát triển, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của nhà nước, doanh nghiệp còn hạn chế, ít doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ và tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng.
"Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến chuyển đổi sang nền kinh tế tuàn hoàn, điển hình là hai thành phố lớn nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn đang "loay hoay” trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, mặc dù đã có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn xây dựng các nhà máy chế biến rác thành năng lượng điện và phân bón” – GSTSKH Nguyễn Mại thông tin.
Trên cơ sở đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là các quy trình chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ và phát triển các mô hình tuần hoàn một cách hiệu quả, phù hợp về đặc điểm của quốc gia và điều kiện của từng ngành nghề.
Đặc biệt, cần có những giải pháp khuyến khích, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tham gia vào tiến trình này. Cụ thể, theo ông Nguyễn Hoa Cương, các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thị trường đầu ra của sản phẩm kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, PGS, TS Nguyễn Hồng Quân đại diện nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) nhận định, mô hình kinh tế tuần hoàn mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, cơ hội phát triển nghiên cứu của khối học thuật và nêu bật vai trò điều hành của khối Chính phủ.
Quan trọng hơn, các giải pháp và nguyên tắc của mô hình kinh tế tuần hoàn còn tạo ra không gian giao thoa có ý nghĩa cho mô hình "3 nhà”: Chính phủ - khối học thuật – doanh nghiệp (Triple Helix), từ đó thúc đẩy hợp tác tích cực để nâng cao sức mạnh tổng hợp của 3 chủ đề này.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rào cản khi tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn, theo đó mô hình hợp tác "3 nhà” càng có ý nghĩa quan trọng hơn, nhằm nâng cao chất lượng hợp tác Triple Helix, mang đến lợi ích to lớn về mặt kinh tế và môi trường cho nền kinh tế.
(Theo congthuong)