Tham quan mô hình trồng lúa chất lượng cao ST25 trên cánh đồng Đại - Phú - An, huyện Văn Yên, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch HND huyện cho biết: "Hiện nay, giống lúa này đang sinh trưởng, phát triển tốt trên đồng đất Văn Yên, cho ra gạo ngon, có giá thành tương đối cao (khoảng 30.000 đồng/kg). Để tạo điều kiện giúp các hộ nông dân ổn định đầu ra, năm 2020, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và HND các cấp, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông - lâm nghiệp tổng hợp Yên Phú đã được thành lập. HTX này không chỉ giúp bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân mà còn cung cấp cả giống, phân bón đảm bảo chất lượng, góp phần hạn chế sâu bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm nên nông dân rất phấn khởi, yên tâm phát triển sản xuất”.
Được biết, thời gian qua, HND huyện Văn Yên đã chủ trì vận động, hỗ trợ triển khai thành lập được 4 hợp tác về trồng dâu nuôi tằm, thu mua và sơ chế quế vỏ, trồng rừng, chế biến gỗ rừng trồng; 63 tổ hợp tác về chăn nuôi, trồng trọt các loại.
Đến nay, các tổ hợp tác, HTX đều phát huy hiệu quả, tạo được sự liên kết trong phát triển sản xuất, kinh doanh và việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Huyện cũng hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: vùng lúa hàng hóa, vùng quế, vùng sắn, vùng chè...
Để có được thành quả này, trước tiên phải khẳng định nhờ có những chủ trương, chính sách đúng đắn của tỉnh và huyện, tiếp đó là sự nỗ lực không nhỏ của các cấp HND huyện Văn Yên trong việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân (HVND) tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Năm 2022, toàn huyện Văn Yên có 7.500 hộ HVND đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và hàng năm đã có hàng nghìn hộ gia đình HVND đạt danh hiệu này. Trong 6 tháng đầu năm 2022, HND huyện đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 2 lớp dạy nghề chăn nuôi và trồng trọt; phối hợp với Nhà máy phân bón Apatis (Lào Cai) cung ứng 950 tấn phân bón trả chậm cho HVND; phối hợp với ngành, đoàn thể tổ chức rà soát, đăng ký 60 mô hình theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái quy định một số chế độ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, để hỗ trợ HVND có vốn đầu tư phát triển sản xuất, HND huyện Văn Yên đã đề nghị HND tỉnh tiếp tục cho sử dụng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh đã hết kỳ hạn vay cho HVND vay để phát triển sản xuất. Đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân do HND huyện quản lý là 2,9 tỷ đồng, gồm 19 dự án với 78 hộ tham gia.
Hội cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập 93 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 3.098 hộ vay với tổng dư nợ 146 tỷ 490 triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thành lập 70 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 1.357 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ 148 tỷ 308 triệu đồng.
Những hoạt động này đã khích lệ, động viên các gia đình HVND phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Điển hình như mô hình nuôi gà theo hình thức an toàn sinh học của HVND Đinh Thị Bảy, thôn Đoàn Kết, xã Mậu Đông; mô hình chế biến quế của HVND Trần Thị Hoàn, thôn Pha Trạc, xã Châu Quế Hạ; mô hình VACR của HVND Hoàng Văn Thương, thôn Làng Lớn, xã An Thịnh; mô hình trồng rừng của HVND Bàn Văn Minh, thôn Làng Câu, xã Tân Hợp...
Thời gian tới, HND huyện Văn Yên chủ trương tiếp tục hỗ trợ HVND tiếp cận vốn, kiến thức khoa học - kỹ thuật, xây dựng các mô hình có hiệu quả kinh tế, đưa các loại cây, con giống đảm bảo chất lượng vào sản xuất. Đồng thời, mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vận động HVND tham gia các hình thức kinh tế tập thể sản xuất, kinh doanh theo hướng hàng hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập.
Hồng Oanh