Đồng chí Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, Hạt Kiểm lâm Văn Chấn thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức trong đơn vị; thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước. Xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện tốt nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Chi bộ Hạt kiểm lâm lần thứ X gắn liền với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ; về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ; tuân thủ nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cán bộ công chức trong công việc được phân công”.
Song song với công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật được triển khai với nhiều hình thức và lồng ghép với nhiều hoạt động tại địa bàn cơ sở như thông qua hệ thống loa truyền thanh, thông qua các buổi họp thôn bản, các buổi sinh hoạt của các tổ chức chính trị xã hội, xây dựng các cụm panô, phát tờ rơi, đặc biệt là tuyên truyền miệng.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà - Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cầu Gỗ, Hạt Kiểm lâm Văn Chấn cho biết: "Nói với đồng bào là phải ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dẫn chứng cụ thể, rõ ràng. Người kiểm lâm địa bàn phải am hiểu phong tục tập quán, đặc biệt là gắn bó mật thiết với bà con, giúp bà con hiểu được giá trị của rừng, phá rừng là vi phạm pháp luật, trồng và bảo vệ rừng (BVR) sẽ có cuộc sống no ấm”.
Được biết, Văn Chấn là địa phương duy trì rất tốt quy chế phối hợp trong công tác BVR, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) giữa các lực lượng chức năng, thông qua đó nâng cao nhận thức trách nhiệm trong công tác BVR của các cơ quan ban, ngành, các địa phương và bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Hàng năm, huyện kiện toàn lại 24 ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp xã; củng cố 213 tổ đội xung kích chữa cháy rừng với hơn 3.000 người tham gia ở các thôn/bản/tổ dân phố; đối với các chủ rừng là tổ chức thành lập 3 ban chỉ huy PCCCR, 13 tổ đội xung kích với hơn 120 người tham gia; thực hiện ký cam kết BVR-PCCCR tới hơn 27.000 hộ gia đình, đạt tỷ lệ trên 90% số hộ.
Là một trong những địa phương triển khai rất tốt công tác giao khoán BVR và chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), chỉ tính từ năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm Văn Chấn đã tham mưu với UBND cấp xã rà soát, xây dựng kế hoạch và ký hợp đồng khoán bảo vệ hàng năm hơn 33.900 ha rừng (trong DVMTR 17.300 ha; ngoài lưu vực 16.600 ha), năm 2022, tiếp tục xây dựng phương án chi trả tiền DVMTR theo Quyết định số 604 của UBND tỉnh; tiếp tục tiến hành rà soát ký hợp đồng khoán bảo vệ 34.200 ha rừng.
Cùng đi với các cán bộ Hạt Kiểm lâm Văn Chấn ngược lên các xã Nậm Búng, Gia Hội, Nậm Mười, Sùng Đô hay ra các xã vùng ngoài như Minh An, Chấn Thịnh, Đại Lịch, trên những triền đồi, ngọn núi đâu đâu cũng thấy quế và các cây nguyên liệu trên diện tích đất rừng sản xuất, tại những cánh rừng phòng hộ, đầu nguồn, chất lượng rừng ngày càng giàu thêm.
Thời gian qua, mỗi năm bình quân, Văn Chấn trồng thêm 3.500 ha rừng tập trung, chưa kể hàng triệu cây lâm nghiệp xã hội. Thay đổi tư duy của người dân từ lên rừng chặt gỗ, bẫy thú đem bán sang BVR và trồng rừng thật không hề dễ, đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài, kiên trì tuyên truyền vận động cùng với đó là các cơ chế chính sách giúp người dân sống được với nghề rừng, gắn bó với rừng, giàu có nhờ trồng rừng rồi quý trọng cây rừng.
Đồng chí Nguyễn Văn Quỳnh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: "Hàng vạn héc-ta quế là món tài sản rất lớn của đồng bào Văn Chấn, giúp người dân xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập cao cho bà con. Quế và gỗ rừng trồng là nguồn nguyên liệu lớn thu hút các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản. Công nghiệp chế biến gắn với nông nghiệp và vùng nguyên liệu, rừng đầu nguồn phòng hộ được trông coi, bảo vệ, người dân được hưởng lợi từ quỹ DVMTR, môi trường vùng cao Văn Chấn trong lành, nguồn nước Văn Chấn xanh trong, tinh khiết, đó là con đường đi an toàn, bền vững nhất, mục tiêu xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc đã trở thành hiện thực”.
Lê Phiên