Rau cải mầm đá - đặc sản vùng cao Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Chủ nhật, 1/1/2023 | 9:30:31 AM

YênBái - Năm 2022 là năm thứ 2 Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải trồng cây cải mầm đá tại xã Nậm Khắt với diện tích 4 ha. Thời điểm này, nhiều diện tích đang bước vào kỳ thu hoạch. Vụ này, bà con nông dân vô cùng phấn khởi bởi rau mầm đá vừa được mùa lại được giá.

Rau cải mầm đá trên cánh đồng tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
Rau cải mầm đá trên cánh đồng tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng rau cải mầm đá trên địa bàn, Phó Chủ tịch HĐND xã Nậm Khắt Thào A Dê giải thích tên gọi của loại rau này: "Với ngoại hình khá giống loại cây cải ngồng, song rau mầm đá có bẹ to và nhiều nhánh, phần lá ít nên giống như một hòn đá mọc mầm. Từ đặc điểm riêng đó nên rau có tên là cải mầm đá”. 

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải đưa cải mầm đá vào trồng thử nghiệm tại xã Nậm Khắt từ tháng 10/2021. Kết quả cho thấy, cải mầm đá hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Vì đây là loại cây ưa lạnh, khí hậu thích hợp từ 18 độ C trở xuống nên cây rau bắt đầu trồng tháng 9, tuổi cây khoảng 75 ngày. 

Anh Hoàng Văn Nối - Thành viên HTX Sản xuất Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải cho biết: "Năm nay là năm thứ 2 trồng nên HTX đã nắm chắc quy trình kỹ thuật trồng. Hiện HTX đang tạo việc làm ổn định cho 20 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân khoảng 4 - 6,5 triệu đồng/người/ tháng và vào vụ thu hoạch chính, HTX sẽ trả 150.000 đồng/người/ngày cho lao động thời vụ. 

Với diện tích đang trồng, HTX dự kiến sẽ thu hoạch 30 tấn/ha, doanh thu dự kiến trên 500 triệu đồng/ha. Hiện, rau mầm đá chủ yếu bán đi các tỉnh như: Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ... với giá  20 nghìn đồng/kg”. 

Bà con thu hoạch rau và cung cấp cho thương lái trong và ngoài tỉnh. 

Mô hình trồng rau cải mầm đá trên địa bàn xã Nậm Khắt là một trong các mô hình liên kết, nằm trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Mù Cang Chải. 

Có thể thấy, hiệu quả kinh tế của mô hình này bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi giống cơ cấu cây trồng, chọn lựa giống mới, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng để cho giá trị kinh tế cao. 

Cùng với đó, bằng việc tích cực tuyên truyền người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, địa phương đã biến cánh đồng Nậm Khắt vốn chỉ trồng lúa một vụ kém hiệu quả trước đây thành một màu xanh mướt của loài rau đặc sản. Cách làm này cho thấy hiệu quả bền vững trong việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, mở ra cơ hội sinh kế mới, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho đồng bào vùng cao Mù Cang Chải. 

Bà Hảng Thị Máy - bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt tay thoăn thoắt cho rau vào các túi để cân chuyển cho các thương lái mang về xuôi phấn khởi: "Rau vào vụ thu hoạch được HTX tạo điều kiện với tiền công làm thêm mỗi ngày là 150 nghìn đồng. Mình có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình. Mong chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm mở rộng thêm nhiều cây trồng nữa để bà con trong xã có thêm nhiều việc làm”. 


Rau mầm đá- món quà độc đáo chỉ có ở xứ lạnh được nhiều du khách mua về làm quà.

Giờ đây, khi đến với Mù Cang Chải vào mùa đông, du khách không chỉ được ngắm sắc hồng rực rỡ của hoa Tớ dày trải khắp núi rừng mà còn được tận mắt ngắm cánh đồng mướt xanh của một loài rau đặc sản nơi đây - rau cải mầm đá. Đây cũng là món quà đặc sắc của núi rừng vì chỉ phát triển ở vùng có khí hậu lạnh và mỗi năm chỉ có một lần nên được nhiều du khách lựa chọn mua về làm quà. 

Chị Anh Thư ở Hải Phòng sau chuyến du lịch đi các bản làng ngắm hoa Tớ dày đã mua rau mầm đá về làm quà cho gia đình, bạn bè. Chị cho hay: "Mình đã từng nghe thấy tên loài rau này trên mạng và thấy các chị em tìm mua rất nhiều. Hôm nay lần đầu tiên được ăn thử tại nơi bà con trồng luôn, đúng là rau rất ngon, ngọt và có độ giòn. Món quà này mình mang về chắc hẳn mọi người sẽ rất thích”. 

Từ hiệu quả rau mầm đá mang lại trên địa bàn xã Nậm Khắt, thời gian tới, huyện Mù Cang Chải sẽ tiếp tục đưa thêm một số giống rau đặc sản vào trồng và mở rộng diện tích, tạo thành vùng chuyên canh nông nghiệp hàng hóa, phát huy các lợi thế để Mù Cang Chải phát triển nông nghiệp bền vững theo lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Thanh Chi

Tags Mù Cang Chải rau mầm đá hoa Tớ dày Nậm Khắt

Các tin khác
Chế biến măng tre Bát độ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành.

Thời gian qua, Yên Bái tập trung thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp (SXNN) sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Nổi bật và quan trọng nhất là thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Có thể khẳng định, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Yên Bái đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế như sản phẩm quế, sản phẩm chè với giá trị gia tăng cao gấp 2,5 lần so với trước.

Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành sản xuất ván ép xuất khẩu.

Năm 2022, nền kinh tế tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng không phải ngoại lệ. Nhờ sự nỗ lực của tỉnh, các sở, ngành, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp tỉnh Yên Bái phục hồi nhanh, tăng trưởng mạnh.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới" sau đại dịch Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục