Sau tết, trứng gia cầm tại một số địa phương đang có mức giảm đáng kể, khiến mặt hàng này được các tiểu thương căng băng rôn giải cứu trên các vỉa hè.
Trứng có thực sự cần giải cứu?
Thời gian gần đây, trên một số tuyến đường ở Hà Nội xuất hiện những điểm bán trứng gia cầm tự phát với băng rôn ghi "Giải cứu trứng gia cầm, 65 nghìn/30 quả”.
Tại TP.HCM trứng gia cầm đóng hộp cũng được bán ở lề đường với giá từ 40.000 đồng/20 quả. Tại các điểm bán cố định ở chợ truyền thống, trứng gà, trứng vịt cũng có mức giảm từ 5.000 – 6.000 đồng/chục so với hồi trước tết. Cụ thể, trứng vịt đang bán với giá 30.000 đồng/chục, giảm 5.000 – 6.000 đồng, trứng gà dao động 25.000 – 28.000 đồng, giảm 5.000 đồng so với trước tết.
Đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng thừa nhận, hiện nay giá trứng đang giảm so với trước tết, do nguồn cung còn nhiều trong khi sức mua không cao, tuy nhiên chưa phải ở mức giải cứu. Việc lạm dụng từ giải cứu sẽ làm hạ giá trị nông sản của Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng cho biết đến nay các cơ sở sản xuất của Hiệp hội cũng như các trang trại của nông dân chăn nuôi gà trứng vẫn tiêu thụ ổn. Do đó người tiêu dùng nên cẩn trọng với trứng gia cầm không rõ nguồn gốc. Đồng thời theo vị này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra nguồn gốc trứng và chất lượng sản phẩm liệu có đủ tiêu chuẩn cung ứng ra thị trường hay không.
Cẩn trọng trứng gia cầm không rõ nguồn gốc
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 27-2 vừa qua Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cũng đã có Công văn số 02/VIPA gửi các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam về việc phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N1.
VIPA đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân hội viên thuộc VIPA chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Bộ NN-PTNT tại Công điện số 1030/CĐ-BNN-TY ngày 26-2-2023 và văn bản hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm của chính quyền các địa phương.
Cùng với đó, VIPA khuyến cáo không vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan trên các hè phố dưới danh nghĩa "giải cứu" của các tư thương.
Đồng thời, chủ động triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh bao gồm tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi, đặc biệt những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khác. Giám sát chặt chẽ các phương tiện, khách ra vào trại, thực hiện tốt việc cách ly, bảo hộ lao động trước khi ra vào trại. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời vắc-xin cúm gia cầm và các loại vắc-xin khác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Thông báo kịp thời với cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Thú y khi có hiện tượng gia cầm ốm chết bất thường tại cơ sở chăn nuôi của doanh nghiệp, trang trại.
(Theo PLO)