Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái có 26 công trình dự án được đưa vào danh mục trọng điểm để tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện với tổng mức đầu tư là 12.198 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, 21 dự án khởi công mới với tổng mức đầu tư trên 10.200 tỷ đồng.
Trong 26 dự án trọng điểm, có 17 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, 4 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, 2 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, 3 dự án thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao, công nghệ thông tin.
Xác định đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành, yêu cầu các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, một số chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng, ban hành kế hoạch triển khai các dự án tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) đáp ứng nhu cầu thi công xây dựng.
Đến nay, phần lớn các dự án đã được triển khai thực hiện cơ bản đáp ứng được tiến độ đề ra và đảm bảo kế hoạch giải ngân, chưa xuất hiện các dự án bố trí vốn quá thời hạn quy định. Tuy nhiên, đứng trước hàng loạt khó khăn khiến tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm còn chậm.
Một số dự án dự kiến khởi công trong năm 2022 nhưng phải chuyển sang năm nay như: Trung tâm Hội nghị tỉnh; trụ sở Tỉnh ủy và các ban Đảng; trụ sở Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; đường nối quốc lộ 32 (Sơn Thịnh, Văn Chấn) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC14); Trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu đô thị thông minh tỉnh Yên Bái.
Nguyên nhân đây là các dự án yêu cầu cao về kiến trúc, tổ chức thi tuyển kiến trúc nên cần nhiều thủ tục, qua nhiều bước thực hiện nên mất nhiều thời gian; giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng biến động lớn, ảnh hưởng đến giá trị công trình dẫn đến nhiều dự án tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Cùng với đó, khó khăn trong công tác GPMB; ảnh hưởng của thời tiết nên quá trình thi công tại hiện trường gặp khó khăn khiến một số dự án thuộc lĩnh vực giao thông chậm tiến độ.
Điển hình như dự án đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Dự án có tổng mức đầu tư 412 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, Dự án sẽ phải hoàn thành vào năm 2023.
Tuy nhiên, theo báo cáo, đến giữa tháng 2/2023, sản lượng thi công mới đạt khoảng 10%, chủ yếu do công tác GPMB chậm, kéo dài. Theo chủ đầu tư, vẫn còn 55 hộ nằm rải rác trên toàn tuyến với diện tích 18,27 ha (chiếm 40% tổng diện tích thu hồi) còn vướng mắc do chưa xác định chính xác nguồn gốc đất, tài sản trên đất, quá trình kiểm kê còn thiếu sót. Chậm GPMB cũng là một trong những nguyên nhân khiến 4/5 gói thầu xây lắp của Dự án đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với tỉnh lộ 174 (huyện Trạm Tấu) không hoàn thành đúng tiến độ trong tháng 3/2023 khi sản lượng thi công mới đạt khoảng 70%.
Trước thực trạng trên, để đẩy nhanh tiến độ các dự án tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và các địa phương đôn đốc đơn vị thi công tập trung máy móc thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước sang và khởi công mới năm 2021, năm 2022; khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác GPMB phát sinh trong quá trình thi công; tổ chức nghiệm thu, thanh, quyết toán các khối lượng hoàn thành để bảo đảm tiến độ giải ngân.
Riêng đối với 5 dự án dự kiến khởi công năm 2022 nhưng chậm tiến độ trong công tác chuẩn bị dự án, lùi thời gian khởi công sang năm 2023, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các nội dung vượt thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ triển khai, đảm bảo dự án khởi công trong năm nay.
Các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn dự kiến khởi công mới năm 2023 và năm 2024, các chủ đầu tư khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập, thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán, bảo đảm tiến độ khởi công trong năm theo kế hoạch đã phê duyệt; tăng cường sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ngành và hội đồng bồi thường, GPMB các địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán...
Cùng với đó, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm tra, xử lý, đôn đốc các nhà thầu thực hiện theo đúng hợp đồng, cam kết trong hồ sơ dự thầu, nhất là việc bố trí nhân lực, vật lực, máy móc, trang thiết bị phục vụ thi công, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường.
Văn Thông