Hồi sinh vùng đất hoang sơ
- Cập nhật: Thứ ba, 2/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên xã Tú Lệ (Văn Chấn) dài quãng năm sáu chục cây số. Nhưng cách đây mấy năm, khi tuyến đường này chưa được nâng cấp thì lên Tú Lệ bằng xe khách phải đi mất vài tiếng đồng hồ. Ai đã từng đi xe khách lên đây vào thời kỳ ấy, hẳn không thể nào quên được hình ảnh xe chạy cứ lắc lư, ì ạch và trong khoang xe tựa như thùng bụi.Và người ta càng cảm thấy buồn và mệt mỏi hơn khi đằng đẵng đi qua các xã: Nậm Lành, Gia Hội, Nậm Búng đến Tú Lệ thì họa hoằn mới thấy vài bóng người qua lại hoặc một chiếc ô tô hiếm hoi chạy ngược chiều.
Được mùa chè. (Ảnh: Quang Tuấn)
|
Hai bên đường chỉ thấy bạt ngàn đồi núi hoang sơ. Đường sá thì như vậy, đời sống người dân lại mang nặng tính tự cung tự cấp nên chẳng ai hứng thú ở gần đường cho chật chội, thiếu đất làm ăn. Thỉnh thoảng mới có những bản làng ở gần đường, nhưng chỉ có trung tâm xã Nậm Búng là đẹp và cuộc sống có vẻ khấm khá hơn cả bởi đây là khu người Kinh lên khai hoang. Các bản khác, dân cư thưa thớt và cuộc sống còn đầy gian khó. Đúng là dân ở các xã này nghèo thật! Đồng bào dân tộc chủ yếu là người Thái, người Dao và tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới ở các xã này giờ đây vẫn chiếm từ 70% trở lên.
Đó là do hệ quả tập quán canh tác trên nương rẫy ở đây từ bao đời nay. Họ không chỉ phát, đốt rừng trồng cây lương thực, mà còn đốt rừng vào cuối mùa đông để sang xuân mọc lên lớp cỏ non chăn nuôi gia súc. Đồng thời, việc cháy rừng do sự vô ý thức của con người cũng đã khiến cho nhiều loài cây thân gỗ không kịp lớn để có hạt mà tái sinh, nên những vùng đồi núi này chỉ thấy lưa thưa lau lách và bụi cây lúp xúp. Tình trạng trên khiến cho đất bị xói mòn trong một thời gian dài, nên độ phì của đất cũng suy giảm mạnh và trồng trọt hay chăn nuôi đều kém hiệu quả. Việc học hành của người dân ở đây cũng còn nhiều hạn chế, ít được giao tiếp với bên ngoài nên trình độ dân trí thấp và cuộc sống vật chất thì cứ đầy dần lên những khó khăn.
Tuy nhiên, đó chỉ là hình ảnh cách đây vài năm. Bây giờ đã có một sức sống mới tiềm ẩn đằng sau cái vẻ hoang sơ ấy. Yếu tố quan trọng tạo nên sức sống ấy không gì khác, đó chính là những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển đối với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người. Dấu ấn khởi nguồn cho sự đổi thay được bắt đầu từ giữa những năm 1990, khi tỉnh và huyện Văn Chấn làm cuộc cách mạng về lương thực cho vùng đất này. Cuộc cách mạng về lương thực đã tập trung đầu tư cho hệ thống thuỷ lợi, khai hoang ruộng nước, tăng vụ, trồng giống lúa mới có năng suất cao, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất...nên chỉ mất vài năm vùng này đã cơ bản cân đối được lương thực. Tiếp đó, hàng loạt những công trình phúc lợi công cộng được đầu tư. Đặc biệt, tuyến đường mà người ta quen gọi là "tuyến đường gian khổ" trước đây đã trở thành huyết mạch nối miền xuôi với Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai.
Mười năm trôi qua là khoảng thời gian không dài, nhưng giờ đây nhà cửa bên đường đã mọc lên nhiều và cảnh người xe ngược xuôi qua lại tấp nập hơn. Cuộc sống người dân dẫu còn nhiều gian khó, nhưng đã bớt đi nỗi lo cơm áo và điện-đường-trường-trạm để tính chuyện làm giàu. Một chị người Thái ở xã Gia Hội nói với chúng tôi rằng: "Cuộc sống bây giờ sướng hơn trước nhiều lắm rồi! mình chỉ còn nghĩ cách làm thế nào giàu lên thôi!".
Chủ tịch UBND xã Gia Hội-Lò Văn Pậu khẳng định: "Đúng là nhiều người dân ở đây giờ đang nghĩ nhiều đến chuyện phải làm giàu". Vậy hướng làm giàu ở vùng này là gì? Hầu hết đều muốn biến những vùng đất hoang hoá hay đất trước đây trồng cây lương thực thành nơi trồng những loại cây giá trị kinh tế cao, phù hợp với đòi hỏi của thị trường hàng hoá và thổ nhưỡng từng vùng. Chẳng hạn, ở xã Nậm Lành-một xã có tới trên 80% đồng bào Dao, trước đây chủ yếu sống bằng nương rẫy, nhưng nhờ đẩy mạnh khai hoang ruộng nước nên hơn 500 hộ dân trong xã chỉ còn vài chục hộ làm thêm nương rẫy. Chủ tịch UBND xã Lý Kim Kinh cho biết: "Nậm Lành đã phát huy truyền thống trồng quế của người Dao để trồng được 240 ha quế. Biết khoanh nuôi tái sinh trên trăm ha rừng sặt để vừa phủ xanh đất trống vừa khai thác kinh tế từ cây măng đặc sản quý hiếm này. Ngoài ra, xã còn trồng được 400 ha cây thông và mấy chục ha chè”.
Cây dó trầm 7 tháng tuổi được anh Giang Trịnh Tuân trồng tại xã Nậm Búng (Văn Chấn).
Tuy nhiên, phát triển mạnh cây chè, phải nói đến xã Gia Hội và Nậm Búng. Gia Hội có trên 90% đồng bào Thái, nương rẫy trước cũng tới vài trăm ha. Nhưng nay số diện tích này phần có bình độ cao đã được chuyển sang khoanh nuôi tái sinh rừng. Phần đất thấp hơn đã trồng được trên 120 ha chè và toàn xã phấn đấu tận dụng hết quỹ đất để đến 2010 có thêm khoảng 100 ha nữa. Các đồng chí lãnh đạo xã phấn khởi cho biết, trước năm 2000 nếu nói trồng chè chẳng mấy người dân ủng hộ thì nay họ thi nhau trồng chè. Trong xã đã có mấy hộ người Thái thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng từ cây chè.
Nậm Búng có đất trống đồi núi trọc lên tới 2044 ha và riêng thôn Sài Lương-thôn của người Dao sinh sống đã có tới 500 ha. Chủ tịch UBND xã Phạm Bá Dư cho biết: "Trừ diện tích núi đá chênh vênh thì 70% số diện tích trên có thể phủ xanh được bằng việc trồng các loại cây trồng". Đến Nậm Búng thấy bà con người Kinh, người Thái ở đây đang phát triển mạnh diện tích chè trồng mới. Còn với người Dao, xã đang tập trung việc quy hoạch đất đai và vận động người dân trồng chè". Ngoài loại cây trên, ở đây có một thanh niên ngoài 20 tuổi là Giang Trịnh Tuân, nghe nói cây dó trầm có giá trị kinh tế rất cao nên đã nuôi ý chí trở thành tỷ phú dó trầm. Tuân đã một mình lặn lội vào tận Hà Tĩnh, Quảng Nam tìm hiểu và học tập kinh nghiệm trồng loại cây này. Sau đó, Tuân phối hợp với Hợp tác xã Nghĩa Quân ở xã Tú Lệ mời chuyên gia về nghiên cứu khí hậu thổ nhưỡng để trồng thử. Kết quả nghiên cứu, trồng thử rất khả quan và Tuân đang có ý định trồng một diện tích rất lớn cây dó trầm ở vùng này.
Nghe câu chuyện của Tuân tôi lên Tú Lệ - nơi cũng có trên 90% là đồng bào Thái. Bí thư Đảng uỷ - Đồng Văn Minh nói rằng: "Nhìn đất hoang quanh xã thì nhiều đấy, nhưng xã chỉ nằm gọn trong một thung lũng nhỏ. Vì vậy, đất đồi rừng để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao chỉ có khoảng trên dưới 200 ha. Diện tích này lại chia manh mún theo từng hộ. Bởi vậy, xã xác định khó có loại cây nào mang lại hiệu quả cao cho từng hộ trên diện tích đất đồi nhỏ hẹp ấy ngoài việc hướng đến phát triển cây dó trầm. Xã đang chỉ đạo Hợp tác xã Nghĩa Quân khẩn trương xúc tiến dự án này và địa phương sẽ tạo mọi điều kiện cho chủ dự án triển khai thuận lợi nhất..."
Cách làm ở các địa phương trên đều cho thấy sự chuyển động về tư duy kinh tế, về sự quyết tâm và năng động của người dân. Đặc biệt, mỗi nơi đều đã nắm bắt đúng tiềm năng của mình và xây dựng được chiến lược phát triển tiếp cận thị trường hàng hoá. Vì vậy, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng, không còn bao lâu nữa, vùng đất hoang sơ này sẽ được bà con các dân tộc ở đây biến thành một miền quê trù phú. Người đi từ miền xuôi lên đây sẽ thấy cảnh quan của bình nguyên này được tô đẹp hơn bằng những nhà máy, con người, làng bản, bằng màu xanh và hương thơm của cây quế, cây chè, cây dó trầm...
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Mới đây, đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Liên minh HTX tỉnh Yên Bái.
YBĐT - 365 ngày qua, sản xuất nông - lâm nghiệp Yên Bái đã gặt hái nhiều thành công. Lúa, ngô, khoai, sắn, chè, quế, rừng đều được mùa, được giá. Tổng sản lượng lương thực đạt mức kỷ lục: 213.700 tấn; an ninh lương thực vùng cao đảm bảo, vùng thấp đã có lúa, gạo hàng hoá bán trên thị trường. Cây chè phát huy thế mạnh của mình, đã và đang thực sự là cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Những kết quả đó thật đẹp và vui, nhưng vui hơn cả là nông dân Yên Bái đã biết sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng thị trường.
YBĐT - Vừa khắc phục hậu quả lũ quét cuối năm 2005, lại phải đối mặt với khó khăn nợ đọng vốn, nhưng bằng giải pháp sát thực và quyết tâm cao, hết năm 2006 ngành giao thông vận tải (GTVT) Yên Bái vẫn đạt tổng giá trị sản lượng 136 tỷ 188 triệu đồng. Nhiều công trình giao thông được mở mới đảm bảo cả về chất lượng và tiến độ, từng bước đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH.
YBĐT - Trong thời kỳ hậu hội nhập WTO, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái nghĩ gì, làm gì để doanh nghiệp đứng vững và phát triển, để không thể bị chìm khi bơi ra "biển lớn" WTO?