Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng gây thiệt hại 44,8 ha; trong đó, rừng trồng 40,1 ha; rừng tự nhiên 4,7 ha. Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng, ngoài yếu tố bất thuận của thời tiết còn do người dân bất cẩn sử dụng lửa trong quá trình xử lý thực bì.
Để hạn chế nguy cơ cháy rừng, ngay trước mùa khô hanh, Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm sớm xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương; bố trí 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn có cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, tham mưu kịp thời giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng (BVR), quản lý lâm sản và PCCCR.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc chính quyền địa phương, các chủ rừng trên địa bàn thực hiện phương án PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ”; chỉ đạo các hạt kiểm lâm tuyên truyền ký cam kết BVR và PCCCR tới các hộ dân; hướng dẫn người dân đốt nương và đốt nương có kiểm soát cũng như việc sử dụng lửa trong thời điểm khô hanh kéo dài. Đặc biệt, những ngày nóng gay gắt, các địa phương, chủ rừng đã triển khai nhiều phương án cấp bách "canh lửa, giữ rừng”.
Ông Trần Xuân Dưỡng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết: "Để bảo vệ trên 80.000 ha rừng trên địa bàn, ngoài việc tuyên truyền kịp thời và thường xuyên tới người dân và các chủ rừng, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn và chính quyền cơ sở, trưởng nhóm phải phối hợp chặt chẽ giám sát việc đốt nương, làm nương của người dân.
Đặc biệt, các xã trên địa bàn duy trì các lán, chòi canh lửa đồng thời các thôn bản phân công lực lượng trực 24/24 giờ ở các chòi canh lửa nhằm phát hiện kịp thời các đám cháy”.
Tại huyện Văn Chấn, các biện pháp PCCCR cũng được ngành chức năng tích cực triển khai. Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: "Những ngày cao điểm vừa qua, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng phương án PCCCR cụ thể, sát thực tế, đơn vị luôn chủ động lực lượng trực gác 24/24 giờ tại những khu rừng trọng điểm, dễ cháy; tuyên truyền trên loa truyền thanh, thông báo cảnh báo cháy rừng thường xuyên đến người dân và các đơn vị chủ rừng. Ban Chỉ đạo PCCCR huyện xuống từng xã kiểm tra chế độ trực và trách nhiệm của ban chỉ đạo cơ sở. Trong quá trình kiểm tra các xã có biên bản làm việc, xã nào làm sai sẽ xử lý theo quy định”.
Công tác PCCCR đã được chính quyền địa phương, ngành chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nắng nóng gay gắt hơn, với số ngày nắng cao hơn trung bình nhiều năm và có nhiều diễn biến bất thường. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm tăng nguy cơ cháy rừng diện rộng.
Tại tỉnh Yên Bái, diện tích nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng gồm toàn bộ diện tích rừng ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng thượng huyện Văn Chấn. Để chủ động PCCCR, các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch PCCCR của các đơn vị, chủ rừng, kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm.
Khi có cháy rừng xảy ra, khẩn trương chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện để xử lý tình huống cháy rừng, không để cháy lan, cháy lớn; sau cháy rừng cần khẩn trương tổ chức phương án phục hồi rừng; đồng thời, điều tra xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đặc biệt, với vai trò lực lượng nòng cốt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng.
Văn Thông