Theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được rút từ 6 bậc xuống còn 5 bậc đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, dù giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không thay đổi nhưng sẽ có tác động trực tiếp tới các nhóm khách hàng theo cả hai hướng: Giảm tiền điện hoặc tăng ở mức độ khác nhau. Và điều dễ thấy nhất qua biểu giá này vẫn là khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm.
Quy định cụ thể của biểu giá 5 bậc
Theo dự thảo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc, so với 6 bậc đã được áp dụng từ năm 2014 đến nay.
Trước đây, phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, rút ngắn số bậc đã được Bộ Công Thương đề xuất nhiều lần. Gần đây, vào tháng 10-2022, Bộ Công Thương đề xuất biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn theo 2 phương án, từ 6 bậc như hiện hành xuống còn 4 hoặc 5 bậc và gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến.
Thông tin của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, có tới 92,2% ý kiến gửi về Bộ đề xuất lựa chọn phương án rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân; chỉ có 7,8% ý kiến đề xuất lựa chọn phương án rút ngắn xuống 4 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.
Theo dự thảo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được Bộ lựa chọn gồm 5 bậc. So với biểu giá hiện hành, khoảng cách ở 3 bậc đầu tiên được thu hẹp lại và ở 2 bậc tiếp theo được nới rộng hơn. Trong đó, 2 bậc đầu hiện hành được gộp lại thành bậc 1 với 100kWh đầu tiên có mức giá bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 2 giữ nguyên như bậc 3 hiện hành (từ 101 đến 200kWh) với mức giá bằng 108% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 3 nới khoảng cách từ 201 đến 400kWh (hiện tại chỉ đến 300kWh), có giá bằng 136% giá bán lẻ bình quân. Bậc 4 được tính từ 401 đến 700kWh, có giá bằng 162% giá bán lẻ bình quân và bậc 5 tính từ 701kWh trở lên với giá bằng 180% giá bán lẻ điện bình quân.
Bộ Công Thương cũng dự thảo quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước, được áp dụng khi điều kiện kỹ thuật cho phép, đối với nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn cho mục đích sinh hoạt.
Phân hóa rõ giữa các nhóm khách hàng
Theo Bộ Công Thương, với biểu giá mới, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối là hai lần, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Một số nước trên thế giới cũng đang áp dụng mức chênh lệch tương tự như tại Nam California (Mỹ), chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối là 2,2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 lần, Thái Lan là 1,65 lần…
Cục Điều tiết điện lực nêu, cơ cấu biểu giá sinh hoạt theo 5 bậc được thực hiện trên cơ sở bù trừ doanh thu, tức là khoản thiếu hụt của bậc này sẽ được bù trừ bởi bậc khác, nên không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt (hiện ở mức 1.920,37 đồng/kWh). Tuy nhiên, do có sự thay đổi về cơ cấu biểu giá nên sẽ có tác động trực tiếp tới các nhóm khách hàng theo cả hai hướng: Có nhóm sẽ được giảm tiền điện, có nhóm phải chịu tăng ở mức độ khác nhau. Cụ thể, đối với các hộ có mức sử dụng điện từ 710kWh trở xuống, chiếm 89% số hộ sẽ có tiền điện phải trả giảm đi. Tuy nhiên, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711kWh/tháng trở lên (chiếm 2% hộ tiêu thụ) phải trả tăng thêm.
Ngoài ra, dự thảo quy định cũng nêu rõ hộ nghèo theo tiêu chí về thu nhập do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Theo Giáo sư Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam, việc giảm dần số bậc là xu thế đáng hoan nghênh bởi tính phù hợp, tạo sự phân hóa rõ hơn giữa nhóm khách hàng sử dụng điện trung bình và dùng nhiều với nguyên tắc "dùng nhiều phải trả giá cao” do đây là mặt hàng đặc biệt, không thể dự trữ, cần sử dụng tiết kiệm.
"Ở bậc 1, 2 là nhóm đối tượng có thể cần phải trợ giúp để có mức thấp hơn giá bán lẻ trung bình. Với bậc 3 nên được tính bằng giá trung bình mà Chính phủ quy định. Ở bậc 4, 5 là nhóm khách hàng dùng trên 700 kWh/tháng thường là các hộ có thu nhập ở mức khá, có khả năng chi trả. Tuy nhiên, có nguyên tắc tổng doanh thu từ bán điện của đơn vị bán điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho khách hàng không được thay đổi và không được lợi dụng lũy giá bậc thang để kiếm lời đối với khách hàng”, Giáo sư Trần Đình Long nhấn mạnh.
Một số chuyên gia khác cùng nhận định, việc ghép các bậc theo phương án hiện nay giúp tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn sẽ phản ánh đúng tình hình tiêu thụ điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Phương án này cũng giúp hạn chế được một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.
(Theo HNMO)