Hiệu quả kinh tế của việc trồng lạc dưới cốt 58

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chúng tôi đến các xã Mỹ Gia, Ngọc Chấn, Phúc An của huyện Yên Bình vào một ngày cuối tháng 5. Dải đất dài hàng chục km ven hồ Thác Bà xanh màu xanh của cây lạc xuân.

Ba năm trở lại đây, huyện Yên Bình đã khuyến khích nông dân ở những xã nằm ven hồ đã tận dụng diện tích đất bán ngập dưới cốt hồ 58 để trồng lạc nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Mỹ Gia là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, diện tích ruộng cấy lúa rất ít. Đời sống của nhân dân chủ yếu trông vào đánh bắt tôm cá tự nhiên trên hồ Thác Bà. Trong khi đó, cứ từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm khi nước hồ rút xuống là vài chục ha đất dưới cốt 58 bị bỏ hoang và nông dân thì nhàn rỗi và không có thu nhập.

 

Thực hiện chủ trương của huyện về phát triển cây lạc trên đất dưới cốt 58, năm 2005 được huyện hỗ trợ giống lạc, một số hộ dân đã trồng lạc trên đất bán ngập với diện tích gần 13 ha. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện cùng với sự cần cù của bà con nên năng suất lạc vụ xuân đạt khá. Từ đó đến nay, cứ vào thời điểm nước hồ xuống thấp là nhiều gia đình lại chủ động trồng lạc.

 

Chị Hà Thị Tới ở thôn 4 xã Mỹ Gia cho hay: Trước đây khi chưa có chủ trương trồng lạc của huyện, khi nước hồ cạn thì bãi đất dưới cốt 58 chỉ để thả trâu bò thôi. Mấy năm nay, được huyện vận động và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lạc nên gia đình chị cũng như nhiều gia đình khác trong thôn, trong xã đã tận dụng đất hồ cạn để trồng lạc và thấy hiệu quả rất rõ ràng. Trồng lạc cho thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa. Từ khi trồng lạc dưới cốt đời sống của gia đình chị khá hẳn lên.

 

Còn chị Hoàng Thị Khuyến - một trong những người trồng nhiều lạc nhất ở xã Mỹ Gia cũng cho biết: Vụ xuân năm nay gia đình chị trồng hơn 1 mẫu bằng giống L14. Bây giờ trong thôn, trong xã không ai bảo ai, tất cả đều trồng lạc vì thấy rất có lợi. Nhiều nhà còn giành nhau đất để trồng lạc và lại có nhà mặc dù đã muộn thời vụ nhưng thấy nước hồ rút nên vẫn trồng.

 

Thấy được hiệu quả kinh tế từ việc trồng lạc trên đất bán ngập, vụ xuân năm 2007 nông dân xã Mỹ Gia tiếp tục tận dụng diện tích đất dưới cốt 58 trồng được trên 19 ha lạc, trong đó tập trung nhiều nhất là ở thôn 4. Ông Hoàng Thế Dương - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Gia khẳng định: Nhờ có chương trình phát triển cây lạc dưới cốt mà đời sống của nhân dân Mỹ Gia được cải thiện. Nhân dân đã biết không có đất làm lúa thì phải tận dụng đất hồ vào mùa cạn nước để trồng lạc nhằm nâng cao đời sống kinh tế.

 

Không chỉ riêng Mỹ Gia mà nhiều xã ven hồ khác như Mông Sơn, Phúc An, Xuân Lai, Cảm Nhân cũng đều là những địa phương có diện tích lạc trồng dưới cốt lớn và tập trung. Vụ xuân năm nay, huyện Yên Bình trồng được gần 140 ha lạc trên đất dưới cốt 58. Bà con nông dân đã đưa các giống lạc có năng suất cao, chất lượng khá như L14, L18, MD7 vào trồng và những giống lạc này đã chiếm 40% diện tích lạc trồng trong vụ xuân năm nay, tăng 20% so với vụ sản xuất đầu tiên vào năm 2005. Việc đưa các giống lạc tiến bộ kỹ thuật vào gieo trồng trên đất bán ngập đã góp phần đưa năng suất lạc của huyện lên 15 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với năm 2004. Đây là động lực để thúc đẩy mạnh mẽ để bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành vùng lạc tập trung thâm canh cao, phát triển vùng hàng hóa với quy mô lớn, khai thác hiệu quả tiềm năng đất dưới cốt hồ Thác Bà. Hiện nay, toàn bộ diện tích lạc xuân trên đất bán ngập tại một số xã trong huyện phát triển tốt. Năng suất dự kiến sẽ đạt trên 15 tạ/ha.

 

Như vậy, bà con nông dân huyện Yên Bình có thể thu về 460 tấn lạc vỏ khô. Nếu 1 kg lạc vỏ khô có giá bình quân 7000 đồng như năm trước thì vụ này nông dân Yên Bình sẽ thu về gần 1 tỷ đồng từ cây lạc trồng dưới cốt 58. Từ chỗ chỉ có 5 xã tham gia chương trình trồng lạc dưới cốt với diện tích 112 ha và huyện phải vận động, hỗ trợ giống thì đến nay đã có 15 xã tham gia chương trình này. Bà con nông dân đã chủ động sản xuất, không phải đợi huyện vận động hoặc hỗ trợ giống. Cây lạc không phải là loại cây trồng hoàn toàn mới mẻ và xa lạ trong sản xuất nông nghiệp nhưng việc tổ chức sản xuất, phát triển cây lạc trên vùng đất nào có hiệu quả nhất trong điều kiện nông dân là đơn vị sản xuất tự chủ trong nền kinh tế thị trường là vấn đề mới ở huyện Yên Bình.

 

Để khai thác hiệu quả tiềm năng đất bán ngập dưới cốt 58 hồ Thác Bà, huyện Yên Bình đã quy hoạch vùng sản xuất lạc của huyện trong đó có vùng sản xuất lạc dưới cốt 58 tại một số xã có điều kiện khí hậu đất đai thích hợp với việc phát triển thâm canh cây lạc. Đồng thời, có chính sách khuyến khích trong vụ sản xuất đầu tiên nhằm thúc đẩy nông dân tham gia chương trình. Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Bí thư Đảng bộ huyện Yên Bình cho biết: Trong những năm tới, huyện tiếp tục phát triển cây lạc trên đất dưới cốt 58 với việc sẽ tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân nhằm xây dựng được vùng sản xuất lạc tập trung, tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu của huyện.

 

Chương trình phát triển cây lạc trên đất dưới cốt 58 hồ Thác Bà của huyện Yên Bình thành công không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn làm thay đổi cơ bản nhận thức của nhân dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp, khai thác hết được tiềm năng thế mạnh về đất đai tại địa phương để sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.

 

Kim Anh

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục