Vĩnh Kiên: Tạo đà đi lên từ nội lực

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Xóa đói, giảm nghèo, tiến tới giàu có trong nông nghiệp vẫn luôn là vấn đề trăn trở của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở. Mỗi xã, mỗi thôn đều tìm cho mình một hướng đi cho riêng mình, song không phải nơi nào cũng đạt được như mong muốn; xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình không phải là trường hợp ngoại lệ.

Ngô đông xuân trên đồng bãi ven hồ Thác Bà ở xã Vĩnh Kiên.
Ngô đông xuân trên đồng bãi ven hồ Thác Bà ở xã Vĩnh Kiên.

Trong một thời gian dài Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã xây dựng nhiều chương trình hành động, chuyển dịch cơ cấu cây trồng... nhưng đói nghèo vẫn đeo đẳng. Dẫu vậy, sự kiên trì, quyết tâm cao của mỗi người dân nơi đây đã khơi được nguồn nội lực, tìm ra cho mình một hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Từ một xã nghèo, nay Vĩnh Kiên đã và đang trở thành một xã giàu của vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình. Trên 45% số hộ khá giả có mức thu nhập 15 đến 50 triệu đồng/năm và nhiều hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Trên các con đường làng xe máy chạy tấp nập cho nhiều công việc của nhà nông. Toàn xã có 1.247 hộ dân thì có 80% số hộ có xe máy, có hộ có tới 2 đến 3 cái, cho dù phần lớn là xe Trung Quốc, nhưng nó cũng thể hiện rõ một vấn đề không dễ có ở nhiều nơi khác! Bí thư Đảng ủy xã - Quyền Anh Thắng phấn khởi cho biết: "Đạt được kết quả đó là có sự phát huy vai trò của đội ngũ đảng viên và mọi người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa. Nông dân Vĩnh Kiên hôm nay sản xuất không lấy năng suất cây trồng làm thước đo mà thước đo là giá trị kinh tế ". Một tư duy mới trong phát triển kinh tế đang hình thành trong mỗi hộ nông dân xã Vĩnh Kiên đã được thể hiện rõ nét trên đồng ruộng. Trong 159 ha lúa ruộng không phải quá mầu mỡ nhưng từ ba năm nay bà con đã đưa 95 ha vào gieo cấy lúa chất lượng cao tạo khối lượng hàng hóa lớn.

Bên cạnh việc đưa giống chất lượng cao vào gieo cấy, bà con còn tích cực đầu tư thâm canh đưa năng suất tăng lên 115 tạ/ha. Sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao của xã đã được tiêu thụ khắp các địa phương trong tỉnh. Trao đổi với anh Thắng - một nông dân đang thu hoạch lúa vụ xuân, anh nói: "Làm lúa chất lượng cao tuy năng suất thấp, song giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn lúa lai gần gấp đôi. Vụ này gia đình cấy 4 sào thu trên 6 tạ thóc, bán với giá thị trường thu ngót ba triệu đồng, nếu cấy giống lúa lai phải đạt 8 tạ thóc nhưng bán thu chỉ được hơn hai triệu đồng. Cái chính là cấy lúa chất lượng cao chăm sóc, đầu tư không tốn kém lắm, mà khả năng kháng bệnh tốt hơn". Không riêng gia đình anh Thắng, mà hầu như gia đình nào trong xã cũng gieo cấy giống lúa chất lượng cao, nên cuộc sống được nâng lên khá đồng bộ. Bên cạnh đó, trong sản xuất cây vụ đông bà con cũng đã đưa vào gieo trồng gần 100 ha, trong đó có 25 ha cây rau màu cung ứng cho thị trường các xã vùng Đông hồ này. Theo tính toán của người dân thì trồng mỗi sào rau cho thu 1,2 - 1,5 triệu đồng, trong khi trồng ngô hay các cây màu khác giỏi lắm chỉ cho thu 600 ngàn đồng. Ngay trong vụ xuân vừa qua, 15 ha ruộng cạn không thể gieo cấy, bà con những nơi khác đưa cây ngô, cây lạc vào trồng thì người dân Vĩnh Kiên lại chuyển toàn bộ sang trồng rau, dưa leo và hiệu quả kinh tế thì hơn hẳn các vùng khác. Bên cạnh đó, phong trào chăn nuôi trâu, bò, lợn và gia cầm cũng rất phát triển, hiện nay đàn trâu đã đạt 886 con, 560 con bò, lợn bình quân mỗi hộ 2 con.

Ngoài việc tận dụng bãi cỏ tự nhiên thì để có nguồn thức ăn ổn định cho gia súc bà con đã trồng 15 ha cỏ voi. Giờ đây chăn nuôi đang trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn trong xã, nhiều hộ có hàng chục con trâu, bò giá trị kinh tế lên hàng trăm triệu đồng. Song song với phát triển cây lúa, chăn nuôi, xã còn làm tốt công tác phát triển nghề rừng. Trên 800 ha rừng kinh tế đã và đang đến kỳ khai thác, đó cũng là một nguồn lực kinh tế rất lớn của xã. Bí thư Đảng ủy xã - Quyền Anh Thắng nhẩm tính: "Bình quân mỗi năm khai thác từ 50-70 ha rừng trồng, cũng thu trên dưới 4 ngàn mét khối gỗ, đem bán với giá thị trường cũng đạt gần hai tỷ đồng. Gần 3 trăm ha sắn trồng phục vụ cho nhà máy chế biến sắn cũng thu gần 1,5 tỷ đồng. Với số tiền này ở vùng nông thôn như chúng tôi là quý lắm và làm được rất nhiều việc, đấy là chưa kể đến tái đầu tư cho sản xuất".  Đúng là như vậy ! Kinh tế đồi rừng đã trở thành một nghề không thể thiếu trong mỗi gia đình nông thôn Vĩnh Kiên. Nhờ có hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như trình độ, nguyện vọng làm giàu của người dân, kinh tế đã có nhiều khởi sắc, cái đói đã không còn, hộ nghèo giảm còn 25%, số hộ khá, giàu ngày một nhiều.

Những hướng đi hôm nay, sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho Vĩnh Kiên đi lên, xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Mục tiêu xây dựng xã trở thành vùng kinh tế trọng điểm của các xã vùng Đông hồ đang cận kề phía trước.

Thanh Phúc

Các tin khác
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra vùng trồng dâu nuôi tằm.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt giúp xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024 theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Văn Yên đề ra nhiều giải pháp cụ thể để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Giá xăng dầu vượt 25.000 đồng/lít từ chiều nay.

Từ 15h hôm nay (17/4), giá xăng trong nước tăng từ 378 - 416 đồng/lít, đưa mặt hàng xăng RON 95 vượt 25.000 đồng/lít.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục