Giai đoạn 10 năm đầu tiên, từ năm 1994 - 2004, khuyến nông Văn Chấn thực hiện nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất mới cho nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn, hướng dẫn kỹ thuật nông - lâm nghiệp cho nông dân, tuyên truyền về kỹ thuật và các điển hình sản xuất giỏi, xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở, thông tin về giá cả thị trường nông sản đến với nông dân, chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp địa bàn.
Nhiệm vụ này nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm trước tiên của huyện là phải thực sự coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, phải đầu tư phát triển toàn diện chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, lấy chất lượng và hiệu quả làm mục tiêu và hướng tới nền sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững. Ngoài hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho 100.000 lượt người, phát trên 20.000 tờ tài liệu, tập huấn 500 lớp cho 20.000 lượt người… hệ thống khuyến nông đã xây dựng, triển khai thực hiện 20 mô hình trình diễn, các hội nghị, hội thảo đầu bờ, tham quan học tập.
Giai đoạn 2005 - 2009, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của huyện ở lĩnh vực nông nghiệp là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là góp phần xây dựng, phát triển nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý, có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tiến tới một nông thôn giàu đẹp, tiến bộ, văn minh hiện đại.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, khuyến nông huyện phối hợp với các xã, thị trấn thành lập 69 câu lạc bộ khuyến nông tự nguyện. Đây là một trong những hình thức khuyến nông phổ biến ở cơ sở, trực tiếp chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Ngoài tiếp tục theo dõi những mô hình trước đó, khuyến nông huyện phối hợp thực hiện thêm 40 mô hình trình diễn. Từ năm 2010 - 2018, khuyến nông huyện thực hiện nhiệm vụ theo mục tiêu của huyện là phát triển nền nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Tăng cường đầu tư thâm canh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, tăng hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp, trong ngành nông nghiệp tăng tỷ trọng nhóm cây công nghiệp, cây ăn quả và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản. Giai đoạn này, khuyến nông huyện tiếp tục phối hợp thực hiện thêm 70 mô hình trình diễn.
Từ năm 2019 đến nay, hoạt động khuyến nông tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của huyện đối với nông, lâm nghiệp là tập trung thực hiện tái cơ cấu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Có 53 mô hình trình diễn khuyến nông đã thực hiện ở các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản… 30 năm qua, các dự án, mô hình khuyến nông được đánh giá cao về mức độ phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất, góp phần đem lại giá trị gia tăng và thu nhập cao cho nông dân Văn Chấn.
Chị Hà Thị Nhung ở thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La chia sẻ: "Qua 2 vụ, có giúp đỡ của khuyến nông viên cơ sở thực hiện mô hình chọn giống lúa, tôi có thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất cho hiệu quả cao hơn”.
Có thể khẳng định, khuyến nông đã thực sự trở thành bộ phận không thể thiếu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của huyện Văn Chấn.
Đồng chí Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn khẳng định: "Cùng với sự tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, sự đảm bảo về các chế độ chính sách thì cần phải xây dựng đội ngũ khuyến nông có đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật, có năng lực, có đủ khả năng điều hành, quản lý hoạt động khuyến nông, đặc biệt cần đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở để họ toàn tâm toàn ý với công việc, gắn bó với quyền lợi của người nông dân. Đồng thời, có một yếu tố quan trọng nữa là phải luôn tự đổi mới phương thức hoạt động khuyến nông, không ngừng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình phát triển mới”.
Nguyễn Thơm