Để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 3/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ năm 2001 đến nay, bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và huy động sức dân, mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) ở huyện Mù Cang Chải đã được cải thiện đáng kể. Nhiều tuyến đường huyện, đường xã, thôn bản từng bước được mở mang, nhưng chất lượng thì vẫn còn nhiều bất cập. Các yếu tố kỹ thuật như độ dốc, bề rộng nền đường, bán kính đường cong... chưa đảm bảo. Thực trạng trên đang đặt ra một vấn đề là làm thế nào để lưới GTNT vùng cao Mù Cang Chải ngày càng phát triển?
Đường lên Mù Cang Chải.
|
Với tổng các nguồn đầu tư trên 49 tỷ 420 triệu đồng của Chương trình 135/CP, Dự án Giảm nghèo, Dự án Chia sẻ và huy động sức dân...từ năm 2001 đến nay Mù Cang Chải xây dựng được 92,8 km đường GTNT, kiên cố hoá 7,5 km mặt đường. Cũng từ các nguồn này huyện xây dựng được nhiều cầu treo, cống, rãnh thoát nước, ngầm tràn, cầu sắt và cầu bê tông… góp phần xoá đói giảm nghèo thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Mạng lưới đường bộ của huyện hình thành và phân bố khá hợp lý so với địa hình nhưng chưa mang tính hoàn chỉnh; chưa có đường tiêu chuẩn kỹ thuật cao, chủ yếu là đường cấp B và đường dân sinh thôn bản; nhiều tuyến đường đất mới xây dựng nên chưa có mặt đường; công trình thoát nước, cầu cống chưa hoàn chỉnh nên chỉ thông xe được vào mùa khô; hành lang giao thông chưa đúng tiêu chuẩn; hai bên đường huyện, xã có nhiều nhà dân và ruộng nương nên khó quản lý, vẫn còn nước chảy qua đường mỗi khi bước vào vụ lúa.
Không những thế mạng lưới giao thông của huyện chưa khép kín, mới được đầu tư các trục chính còn thiếu nhiều tuyến ngang. Mật độ đường giao thông so với diện tích tự nhiên còn thấp. Mặt đường được kiên cố hoá chưa nhiều. Toàn huyện mới có 4 km đường bê tông, 7 km đường cấp phối và 6 km đường nội thị được rải nhựa, còn lại là nền đất nên hiệu quả khai thác thấp, phương tiện giao thông chủ yếu chỉ hoạt động được vào mùa khô.
Trong những năm từ 1996 đến 1999, các tuyến đường huyện được xây dựng chủ yếu là đường dân sinh do nhân dân tự làm. Duy nhất huyện chỉ có tuyến Púng Luông - Nậm Khắt dài 12 km là ô tô đến được trung tâm xã. Bắt đầu từ năm 1999 trở lại đây, từ Chương trình 135 của Chính phủ, các xã được đầu tư một số tuyến đường cấp B và các công trình thoát nước từng bước cải thiện nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá, vật tư xây dựng các công trình trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã. Đến nay Mù Cang Chải đã xây dựng được 8 tuyến đường huyện ô tô đi được với tổng chiều dài 99 km. Đường xã, thôn, bản tại một số xã đã xây dựng được các trục đường giao thông chủ yếu nối từ UBND xã và quốc lộ 32 tới các thôn bản. Phần lớn các tuyến đường do dân tự làm nên chất lượng không cao. Chỉ có một số ít đường thôn bản do dự án Giảm nghèo và Dự án Chia sẻ đầu tư thì khá hơn, xe máy có thể đi lại được vào mùa khô tới các vùng dân cư và trọng điểm kinh tế. Hiện đường xã, đường dân sinh thôn bản có tổng chiều dài 749 km, trong đó có 600 km là đường chỉ có thể đi bộ và ngựa thồ.
Để phát triển mạng lưới giao thông vận tải, thực hiện mục tiêu giai đoạn 2006 – 2010, mới đây huyện Mù Cang Chải đã đánh giá thực trạng và xây dựng mục tiêu chi tiết phát triển mạng lưới giao thông có đủ các tuyến: đường huyện, đường xã và đường thôn bản. Thực tế cho thấy, nhu cầu đầu tư cho xây dựng GTNT của huyện là rất lớn, riêng đầu tư cho đường đã trên 108 tỷ đồng, hệ thống thoát nước trên 33 tỷ đồng chưa kể nguồn đầu tư cho bảo dưỡng, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Huyện xác định, việc đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn chủ yếu từ các nguồn vốn: ngân sách trung ương, vốn tín dụng, vốn nước ngoài (ODA, WB) là chính. Do vậy, cần có các giải pháp triển khai hiệu quả các dự án thuộc nguồn vốn ODA, WB và chia sẻ; bố trí nguồn vốn đối ứng kịp thời, giải phóng mặt bằng nhanh; tạo điều kiện cho các nhà thầu có năng lực tài chính ứng vốn thi công trước huyện sẽ bố trí kế hoạch vốn trả sau. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động nguồn vốn đóng góp trong dân, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, các thành phần kinh tế tập trung đầu tư cho phát triển GTNT miền núi.
Để quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư cho phát triển GTNT hiệu quả, các quyết định đầu tư cho công trình giao thông sẽ đều phải dựa trên cơ sở qui hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng của UBND huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có sự quản lý tập trung, kế hoạch bảo trì đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ huyện đến cơ sở xã, thị trấn; đồng thời xây dựng hệ thống, tổ chức quản lý vận tải một cách hợp lý. Mù Cang Chải cũng khuyến khích áp dụng công nghệ, vật liệu mới vào phát triển giao thông; động viên các doanh nghiệp trong huyện đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ thi công. Huyện cũng tập trung đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ trên cơ sở đánh giá lại thực trạng nguồn lực; có chính sách tuyển chọn, sử dụng nguồn nhân lực hợp lý; tiếp tục đào tạo và nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ giao thông xã, phường.
Từ những kết quả đạt được cũng như giải pháp đặt ra, hy vọng mạng lưới GTNT Mù Cang Chải sẽ ngày một phát triển làm đổi thay cuộc sống vùng cao.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Năm 2007, huyện Mù Cang Chải đề ra kế hoạch trồng mới 1.200 ha rừng, trong đó có 900 ha rừng phòng hộ và 300 ha rừng kinh tế. Mới đây huyện đã chính thức ra quân trồng 300 ha rừng kinh tế trong vụ hè thu năm 2007.
YBĐT - Luật Quản lý thuế (QLT) là cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý thuế, nhằm khắc phục những tồn tại về quản lý thuế được qui định không đồng bộ, nằm rải rác ở các luật.
YBĐT - Do tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đội đã phát hiện và thu giữ được 12,8 m2 gỗ pơ mu; 3,4 m2 gỗ tạp. Hàng kém chất lượng gồm: bia á Đông 17 chai; kẹo các loại 75,5 kg; sữa tươi 121 hộp; mì chính 6,3kg; dầu gội đầu các loại 17 chai; bia Hà Nội 20 chai; nước giải khát các loại 10 chai... tổng số tiền xử lý hàng thu giữ và xử phạt hành chính gần 150 triệu đồng.
YBĐT - Nằm cận kề thành phố Yên Bái, xã Nga Quán của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) có ưu thế của một vùng quê "cận thị, cận giang". Đất không rộng nhưng con sông Hồng cũng tạo cho địa phương một địa hình tương đối bằng phẳng và đồng đất phì nhiêu. Với truyền thống cần cù lao động, người dân Nga Quán đang tích cực phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội.