Khởi sắc phong trào trồng rừng kinh tế ở Mường Lò
- Cập nhật: Thứ năm, 2/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thực hiện Đề án “Những nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị khu vực miền Tây tỉnh Yên Bái giai đoạn 2005- 2010”. năm 2006 UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch và hỗ trợ vốn trồng rừng của huyện Văn Chấn là 3.000 ha, trong đó trồng rừng kinh tế vùng Mường Lò là 1.300 ha, trồng rừng tập trung tại Lâm trường Văn Chấn và Ngòi Lao là 1.210 ha, trồng rừng lâm nghiệp xã hội là 490 ha; tỉnh hỗ trợ mỗi ha 1 triệu đồng để nhân dân và doanh nghiệp trồng rừng.
Năm 2007, huyện Văn Chấn đưa vào gieo ươm 1,8 triệu cây keo lai nhập giống từ Úc phục vụ cho trồng rừng kinh tế.
|
Do chưa quen với việc phát triển kinh tế đồi rừng nên năm đầu tiên triển khai trồng rừng kinh tế tại các xã vùng Mường Lò huyện phải quyết tâm lắm mới vận động được nhân dân tham gia”. Kết thúc vụ trồng rừng năm 2006, nhân dân các xã vùng Mường Lò (Văn Chấn) đã trồng mới được trên 1.423 ha keo, vượt kế hoạch tỉnh giao 123 ha. Điển hình là xã Suối Giàng vượt 100 ha; Sơn Thịnh trồng vượt kế hoạch 10,9 ha... Qua nghiệm thu diện tích trồng đảm bảo cây sống đạt 85% là 1.124 ha; diện tích cây sống dưới 85%, không được nghiệm thu cấp kinh phí là 299,4 ha, chủ yếu nằm ở các xã Suối Quyền, Sơn Lương, Nghĩa Sơn, Phúc Sơn... Huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn nhân dân trồng dặm vào vụ xuân năm 2007. Hiện nay diện tích rừng kinh tế trồng năm 2006, tại các xã trong huyện đều phát triển tốt. Năm 2007, tỉnh giao kế hoạch cho huyện Văn Chấn trồng 1.700 ha rừng kinh tế; các hộ tham gia trồng rừng kinh tế được hỗ trợ cây giống, phân bón và một phần kinh phí để làm đất trồng rừng với mức 2 triệu đồng/ha.
Để chuẩn bị cho kế hoạch trồng 1.700 ha rừng kinh tế năm 2007, ngay từ những tháng cuối năm 2006, huyện Văn Chấn đã giao chỉ tiêu cho các xã trong vùng quy hoạch chuẩn bị đất. Đồng thời, Phòng Kinh tế huyện đã hợp đồng với một doanh nghiệp tư nhân trong huyện gieo ươm cây keo giống đảm bảo đủ trồng 1.700 ha rừng kinh tế năm 2007. Do có sự chuẩn bị tốt về đất đai, cây giống, phân bón nên việc triển khai khá thuận lợi.
Tranh thủ thời tiết có mưa, từ cuối tháng 6 Phòng Kinh tế huyện đã vận chuyển phân bón và cây giống xuống tận trung tâm các xã cung ứng cho các hộ dân trồng rừng. Ông Lầu Mao Tùng, dân tộc Mông ở thôn Ba Cầu, xã Suối Bu xuống trung tâm xã nhận cây giống về trông rừng phấn khởi: “ Năm ngoái xã vận động đăng ký trồng rừng kinh tế, lúc đầu mình không hiểu cứ tưởng trồng cho Nhà nước nên không nhận, nhưng cán bộ nó giải thích là trồng rừng kinh tế sau này mình được khai thác bán lấy tiền, mừng quá mình đăng ký trồng 1,3 ha. Bây giờ đã làm đất, đào hố xong rồi, chỉ chuyển cây về trồng xuống là xong”. Đến cuối tháng 7, Phòng Kinh tế huyện đã chuyển cây giống và phân bón xuống các xã đảm bảo trồng 1.200 ha rừng; nhân dân đã trồng được 800 ha.
Hiện nay, Phòng tiếp tục chuyển phân bón và cây giống xuống các xã cung ứng cho nhân dân trồng 300 ha rừng trong tháng 8. Như vậy, vụ trồng rừng năm nay, các xã trong vùng Mường Lò (Văn Chấn) chỉ có khả năng trồng được 1.500 ha. Nguyên nhân tiến độ trồng rừng chậm và không đảm bảo kế hoạch tỉnh giao là do thời thời tiết nắng nóng kéo dài không thể trồng rừng trong những ngày nắng hạn được; còn việc không hoàn thành kế hoạch tỉnh giao là do diện tích đất có khả năng trồng rừng kinh tế được ở Văn Chấn đã hết; diện tích đất trống còn nhiều, song do không đảm bảo bình độ theo quy định trồng rừng kinh tế với diện tích đất trống chủ yếu nằm ở độ cao trên 800 m so mực nước biển; diện tích có thể trồng rừng kinh tế được thì nhân dân lại đang trồng các loại cây ăn quả hoặc chè nên chưa dám mạnh dạn chuyển đổi.
Để cuộc “cách mạng rừng" ở Văn Chấn thành công, các hộ dân trồng rừng kinh tế và các xã trong vùng Mường Lò (Văn Chấn), không nên chạy theo kế hoạch để trồng rừng kinh tế ở độ cao không đảm bảo theo quy định mà cần phải chăm sóc, trồng dặm số diện tích rừng đã chết, nhất là các xã nên có quy định cấm thả rông gia súc nếu không gia súc sẽ phá hỏng hết diện tích rừng kinh tế đã trồng. Có như vậy, trồng rừng kinh tế ở vùng Mường Lò (Văn Chấn) mới mang lại hiệu quả.
Trường Phong
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện nghị quyết về triển khai các mô hình phát triển kinh tế của huyện Trạm Tấu, trong tháng 6/2007, Phòng Kinh tế huyện đã triển khai thử nghiệm mô hình nuôi nhím sinh sản. Bước đầu đã đầu tư mua 60 đôi nhím giống trị giá 450 triệu đồng của Trung tâm Nghiên cứu khoa học sản xuất lâm nghiệp vùng Tây Bắc, giao cho 51 hộ của thị trấn đảm nhận việc làm chuồng, chăn nuôi.
YBĐT - Là khâu đột phá để kinh tế phát triển nhanh và bền vững, công nghiệp Yên Bái được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng và cả về đổi mới, đầu tư thiết bị hiện đại. Mặt khác, tỉnh cũng ban hành chính sách ưu đãi khuyễn khích đầu tư nên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư dự án công nghiệp ở Yên Bái.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã trồng mới được 309,1 ha tre măng Bát độ, đạt 103% KH năm; tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, nâng tổng diện tích toàn huyện lên 924,1 ha.
YBĐT - Vụ mùa năm nay, tỉnh có kế hoạch gieo cấy 19.660 ha; trong đó một số huyện vùng cao như Văn Chấn là 3.200 ha, Văn Yên 2.300 ha, Lục Yên 2.600ha…