Từ thực tế của xã vùng cao, đất đai cằn cỗi, trình độ dân trí còn có những hạn chế nhất định, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, kinh tế chủ lực đều dựa vào sản xuất nông nghiệp nên chăn nuôi đại gia súc đã trở thành ngành kinh tế chính của bà con. Do vậy, hàng năm ngoài sản xuất lúa, ngô để bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ thì chăn nuôi đại gia súc đã được nhân dân quan tâm thực hiện tốt để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới.
Ông Mùa A Giàng, thôn Háng Xê chia sẻ: "Với đặc thù của vùng cao thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp nên chăn nuôi đại gia súc là phù hợp với tôi cũng như phần lớn mọi người dân. Vì chăn nuôi đại gia súc tận dụng được điều kiện tự nhiên tại chỗ như: bãi chăn thả, đất trồng cỏ và hơn hết là không khắt khe về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh.
Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, với sự quan tâm, tư vấn, định hướng của xã, vài năm gần đây, chúng tôi cũng đã mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, lấy sức cày kéo sang phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ chăn nuôi, đã giúp tôi cũng như nhiều hộ khác có điều kiện mua sắm, trang trải những công việc lớn trong cuộc sống”.
Cùng với sự chủ động của mỗi người dân, cấp ủy, chính quyền xã còn tuyên truyền, vận động người dân triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của các cấp, các ngành để khuyến khích, động viên nhân dân có thêm động lực phát triển, điển hình là Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, xã Xà Hồ đã triển khai thực hiện được 10 mô hình, hiện tại đều đã hoàn thành và được nghiệm thu xong với tổng kinh phí chi trả cho các mô hình là 324 triệu đồng gồm: 6 mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên; 1 mô hình chăn nuôi lợn nái quy mô từ 3 con lợn nái và 20 con lợn thịt; 1 mô hình chăn nuôi lợn quy mô 5 lợn nái và 50 con lợn thịt và 2 tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò quy mô 20 con trở lên/ tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã còn chủ động định hướng nhân dân căn cứ vào tình hình thực tế của gia đình, của địa phương để đầu tư phát triển loại vật nuôi phù hợp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại chỗ mang lại giá trị kinh tế cao nhất.
Cụ thể, nhân dân ở các thôn Sáng Pao, thôn Háng Xê tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn ở cả 2 thôn là hơn 1.300 con trâu, bò; còn đối với các thôn Suối Giao, Trống Khua phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi lợn, dê với hàng nghìn con, góp phần không nhỏ thúc đẩy chăn nuôi của xã phát triển mạnh mẽ.
Ông Trớ A Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho biết: "Nhờ triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của Nhà nước và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại chỗ đã giúp nhân dân phát triển mạnh chăn nuôi trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Hiện, tổng đàn gia súc chính toàn xã là 6.542 con gồm: 988 con trâu, 1.379 con bò; 4.175 con lợn; 1.700 con dê, ngựa... cùng với hơn 16.000 con gia cầm các loại giúp nhân dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần”.
Nhờ phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và những định hướng, chỉ đạo phù hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp ngành chăn nuôi của xã Xà Hồ phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng năm 2024, xã đã giảm 52 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 48,3% cuối năm 2024, tạo tiền đề quan trọng để xã hoàn thành Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 -2025.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả lĩnh vực chăn nuôi trong nền kinh tế, xã Xà Hồ đã tập trung tuyên truyền nhân dân cùng với làm tốt công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh thì chủ động học hỏi nâng cao kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăm sóc cũng như chuyển đổi giống, nâng cấp quy mô chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa với các loại vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao.
|
Châu Á