Nhìn lại năm 2024: Linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ

  • Cập nhật: Chủ nhật, 22/12/2024 | 7:26:14 AM

Năm 2024 khép lại với nhiều điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng, tạo thế và lực để toàn ngành cùng đất nước bước sang kỷ nguyên mới vươn mình, phát triển, giàu mạnh.

Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại khu vực Trung du v à miền núi phía bắc vay vốn
Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại khu vực Trung du v à miền núi phía bắc vay vốn

Bám sát sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, NHNN đã chủ động điều hành các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt, theo sát những biến động lớn của kinh tế thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu đề ra.

Đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế

Năm qua, trước diễn biến tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới nhiều biến động phức tạp, khó lường, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát ở mức ổn định năm thứ 10 liên tiếp. Tuy nhiên, dù có sự cải thiện với tăng trưởng phục hồi, nhưng yếu kém nội tại vẫn cần thêm thời gian để khắc phục.

Biến động trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, cùng tâm lý lo ngại của người dân trước giá vàng cao, cũng tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngân hàng. Điều này đặt ra thách thức lớn cho NHNN trong việc cân đối mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; vừa giảm lãi suất nhưng ổn định tỷ giá.

Dấu ấn đầu tiên được nhắc đến khi NHNN chủ động "hóa giải” thành công thách thức nêu trên, trước hết là điều hành tín dụng. Theo đó, NHNN đã đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng (TTTD), thông báo công khai chỉ tiêu TTTD từ đầu năm. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu, NHNN đã hai lần điều chỉnh chỉ tiêu TTTD cho các tổ chức tín dụng (TCTD) vào ngày 28/8 và ngày 28/11 để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Việc chủ động điều chỉnh chỉ tiêu TTTD cho các TCTD mà các TCTD không cần phải đề nghị, dựa trên nguyên tắc cụ thể, bảo đảm công khai, minh bạch; cũng giúp các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện một cách tích cực và hoàn toàn chủ động. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu tích cực khởi sắc, tăng trưởng kinh tế duy trì phục hồi, toàn ngành Ngân hàng tin tưởng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 15% hoàn toàn trong tầm tay.

Cũng trong năm 2024, các chỉ đạo, định hướng, giải pháp về tín dụng ngành, lĩnh vực đã bám sát định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phù hợp tình hình thực tế.

Trong đó, NHNN đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số chương trình rất hiệu quả và nhiều lần được nâng quy mô như Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, hiện nay là 60.000 tỷ đồng); Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (hiện số vốn đăng ký đã hơn 145 nghìn tỷ đồng).

Dấu ấn điều hành lãi suất của NHNN là điểm sáng thứ hai được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về năng lực điều hành CSTT của Việt Nam. Trong năm 2024, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đã giảm 0,44% so với năm 2023. Đây là bước đi thể hiện sự chủ động của NHNN, phù hợp với diễn biến, tình hình trong và ngoài nước, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát.

Tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp

Song hành với lãi suất, chính là câu chuyện tỷ giá. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng nêu rõ quan điểm, áp lực tỷ giá khiến lãi suất khó giảm thêm, bởi nếu NHNN giảm lãi suất thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khi tỷ giá diễn biến không như kỳ vọng. Chính vì vậy, việc hóa giải được thách thức này cũng phần nào cho thấy sự ứng xử khôn khéo của nhà điều hành.

Nỗ lực giảm lãi suất cũng minh chứng cho kết quả đáng ghi nhận của NHNN cùng toàn hệ thống các TCTD trong bối cảnh tỷ giá và thị trường ngoại tệ năm 2024 chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng do diễn biến kinh tế-chính trị quốc tế khó lường, đồng USD quốc tế tăng mạnh cộng hưởng với những yếu tố khó khăn trong nước như chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng duy trì mức âm và cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong nhiều giai đoạn.

Trong bối cảnh này, NHNN cũng đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT để hạn chế áp lực tỷ giá; công bố phương án bán ngoại tệ cho các TCTD để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trong những giai đoạn áp lực lớn.

Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, tâm lý thị trường được bình ổn, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt; mức mất giá của VND phù hợp với xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ…

Trong xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là xu hướng chung của thế giới, không một quốc gia nào nằm ngoài xu hướng này. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Đối với NHNN, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các TCTD và các cơ quan, tổ chức liên quan, chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các dịch vụ công toàn trình được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đặt mục tiêu hoàn thành 100% vào năm 2025 đều đã hoàn thành vào năm 2024. Hiện hồ sơ công việc tại NHNN được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc bí mật nhà nước) đạt 99,99%. Một số dịch vụ cơ bản đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, tiền gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 95% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Ngoài ra, NHNN cũng rất tích cực triển khai Đề án 06 của Chính phủ, chú trọng tới bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật và mức độ số hóa ngày càng cao gắn liền với giải pháp công nghệ sử dụng dữ liệu sinh trắc học trong hoạt động thanh toán chuyển tiền trực tuyến,…

Xác định xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nếu không có giải pháp đi tắt đón đầu sẽ lạc hậu so với các nước; nên NHNN cũng tiếp tục xác định nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành gắn với bảo đảm an ninh, an toàn, hoạt động liên tục các hệ thống thông tin là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh dấu ấn trong lĩnh vực thanh toán và chuyển đổi số, phát triển ngân hàng xanh, ngân hàng số, NHNN cũng đạt bước tiến quan trọng trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhất là xử lý các ngân hàng yếu kém. Trong năm 2024, hai trong số bốn ngân hàng 0 đồng đã được chuyển giao bắt buộc, hai ngân hàng còn lại đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm.

Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các TCTD cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng. Các ngân hàng thương mại cổ phần, về cơ bản đều đang tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị; thực hiện cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, lành mạnh hơn. Nợ xấu cũng được tập trung xử lý và kiểm soát, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.

(Theo nhandan)

Các tin khác

Thủ tướng đôn đốc Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Chiều 20/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng.

Thành phố Yên Bái đang triển khai 32 công trình giải phóng mặt bằng.

Đến nay, UBND thành phố Yên Bái đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) 18 công trình, đang triển khai thực hiện 32 công trình.

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài chính thức thu phí không dừng tất cả các làn ôtô ra, vào.

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đã chính thức triển khai tất cả các làn thu phí tự động không dừng đối với các phương tiện ôtô ra, vào tại hai nhà ga của Sân bay Nội Bài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục