Minh Quân nâng cao chất lượng chè hữu cơ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/1/2025 | 8:38:35 AM

YênBái - Ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên có hàng trăm hộ thâm canh chè theo hướng hữu cơ và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm ảnh hưởng đến đất trồng, chất lượng chè búp.

Chè Bát tiên ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Chè Bát tiên ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Gia đình ông Vũ Ngọc Tề ở thôn Trực Thanh có gần 1 ha chè Bát tiên. Toàn bộ diện tích được canh tác theo hướng hữu cơ. Cây chè được bón phân chuồng ủ hoai mục, phân vi sinh, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học. Nhờ đó, sản phẩm chè của ông có hương vị thơm ngon, đậm đà. Đặc biệt, thời gian cho thu hái kéo dài do đất trồng giàu dinh dưỡng, sức khỏe của người trồng chè, khách tiêu dùng được bảo đảm. Trung bình mỗi năm cây chè mang lại thu nhập cho ông Tề hơn 100 triệu đồng. 

Ông Tề chia sẻ: "Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi đã tự ngâm ủ phân bón bằng cá, đậu tương, các loại hoa quả. Thời gian ủ 6 tháng rồi tưới vào gốc chè, phun lên lá. Ngoài ra, tôi còn mua thêm phân gà ủ hoai mục từ 3 - 4 tháng để bón cho chè. Từ đó, chè cho búp dày đẹp, chất lượng ngon hơn”. 

Ban đầu, chỉ những hộ tham gia mô hình, dự án trồng chè VietGAP; sau đó, những hộ trong xã thấy đây là cách làm không những nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị cho sản phẩm chè, mà còn mang tính bền vững, bảo vệ môi trường, sức khỏe người trồng chè nên ngày càng được nhân rộng. 

Ông Phan Như Viện - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng cho biết: "Chúng tôi mua các loại phân vi sinh và tự ngâm ngủ theo công thức của nhà máy Emyna để bón tưới cho chè, giúp sản phẩm chè thơm ngon, vị đậm. Việc này còn góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe người dùng, môi trường”. 

Xã Minh Quân hiện có hơn 210 ha chè kinh doanh; trong đó, chủ yếu là giống chè Bát tiên, còn lại là Phúc vân tiên và chè trung du. Trước đây, đa phần người dân canh tác theo cách truyền thống, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã làm giảm chất lượng chè, gây bạc màu đất, ô nhiễm môi trường. 

Trước thực trạng đó, xã đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức trồng cải tạo, thay thế bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao, trong đó, chủ yếu là giống Bát tiên. Theo đó, 100% hộ trồng chè được tham gia tập huấn về trồng, chăm sóc chè theo kỹ thuật đặc biệt; do vậy, chè cho năng suất cao hơn 20 đến 30% so với cách trồng truyền thống; đồng thời, ứng dụng quy trình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất chè sạch, không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu, chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ. Nhờ vậy, sản phẩm chè búp tươi sản xuất đến đâu đều được thu mua đến đó, giá chè tăng từ 2 - 3 lần so với chè trung du. 

Hiện, xã đã thành lập nhiều tổ hợp tác và HTX sản xuất chè. Các tổ chức này đều lựa chọn quy trình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, VietGAP. Từ việc lựa chọn giống, chăm sóc, thu hái, chế biến… đều tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt. Đặc biệt, đến nay, HTX Sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng đã có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao là Trà Bát tiên và Trà túi lọc Bát tiên. Các sản phẩm này đã được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. 

Ông Phạm Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Việc tuyên truyền, vận động người dân sản xuất chè theo hướng hữu cơ không chỉ giữ gìn, cải tạo đất, mà còn làm tăng năng suất, sản lượng. Hiện, địa phương xây dựng, phát triển được 1 sản phẩm OCOP 4 sao từ cây chè Bát tiên. Trong đơn hàng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024, địa phương có 1 đơn đi chào hàng ở châu Âu. Hiện, xã đang tìm hiểu thị trường và nâng cao chất lượng để xuất khẩu”.

Với mục tiêu đưa các sản phẩm chè đảm bảo chất lượng, an toàn đến người tiêu dùng, đồng thời, nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian tới, xã Minh Quân tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích thâm canh chè hữu cơ, xây dựng thương hiệu vùng chè sạch để nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Hà Hùng

Tags Yên Bái Minh Quân Trấn Yên Bảo Hưng chè Bát tiên hợp tác xã OCOP

Các tin khác
Thu hái cà chua tại mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung của anh Nguyễn Văn Mùi ở thôn Lả Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.

Từ một địa phương sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp, thường xuyên phải nhận cứu đói giáp hạt, giờ đây sản xuất nông nghiệp (SXNN) ở huyện Mù Cang Chải có bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều mô hình chuyên canh quy mô tập trung mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

Nhờ cây quế mà giờ đây thôn Ngàn Vắng, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên được ví như

Đến Văn Yên những ngày này, đâu đâu cũng ngập tràn cờ hoa hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập huyện và đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2024. Những con đường bê tông xanh - sạch - đẹp, những ngôi nhà khang trang san sát nhau… cho thấy một cuộc sống ấm no đang hiện hữu.

Nhân viên Petrolimex bán xăng cho khách hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Từ 15 giờ ngày 2/1, giá xăng E5 RON92 tăng 240 đồng mỗi lít; xăng RON95-III tăng 199 đồng/lít. Ngoài ra, dầu diesel tăng 125 đồng/lít, dầu hỏa tăng 126 đồng/lít và dầu mazut tăng 129 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra thực hiện xây dựng nông thôn mới tại xã Châu Quế Hạ.

Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Yên đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, tạo tiền đề để bứt phá vươn lên trong năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục