Người dân Văn Yên đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa thương hiệu quế Văn Yên vươn xa và có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Họ chính là những "bông hoa đẹp” tô thắm cho sắc xuân của dân tộc, góp phần giúp huyện Văn Yên đạt nhiều dấu mốc quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành công huyện nông thôn mới.
Trong hành trình du xuân hôm nay, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Kim Thoa ở thị trấn Mậu A. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất quế, chị đã nghiên cứu cách sản xuất trà, nước rửa chén, nước lau sàn, nước rửa tay hữu cơ từ quế. Từ nguồn nguyên liệu vỏ quế, chị đã tách thành phần nóng, nồng của quế để sản xuất thành Trà túi lọc Quế Phát. Sản phẩm này được đánh giá cao nhờ công dụng giúp lưu thông máu, ổn định đường huyết và giấc ngủ ngon hơn.
Thành công ban đầu đã tạo đà cho chị Thoa phát triển thêm 5 sản phẩm OCOP là: nước rửa chén tinh dầu quế, nước lau sàn tinh dầu quế, trà quế, quế hương Văn Yên và tinh dầu quế Quế Phát. Nhờ tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, chị đã giúp thương hiệu Quế Phát "phủ sóng” khắp tỉnh Yên Bái và một số siêu thị lớn ở Hà Nội, Lào Cai. Hiện nay, Công ty của chị Thoa đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng.
"Tôi luôn tin rằng, cây quế Văn Yên không chỉ là nguồn nguyên liệu mà còn là giá trị văn hóa của mảnh đất này. Vì vậy, tôi phát triển sản phẩm quế theo hướng hữu cơ, bền vững, vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, vừa khẳng định thương hiệu quế Yên Bái trên thị trường quốc tế” - chị Thoa chia sẻ.
Tiếp tục hành trình xuân mới, chúng tôi gặp ông Đặng Công Long - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Quế Văn Yên. HTX được thành lập vào năm 2018 với mục tiêu thu mua, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm quế và tinh dầu quế. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và tuân thủ quy trình kiểm định chất lượng, sản phẩm của HTX Quế Văn Yên đã được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế, mở ra cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU. "Chúng tôi đã tập trung đầu tư vào máy móc, công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao từ quế như: tinh dầu, bột quế, quế lát. Đặc biệt, việc hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã giúp HTX bảo đảm đầu ra ổn định cho người dân” - ông Long chia sẻ.
Hiện nay, HTX Quế Văn Yên không chỉ giúp hàng trăm hộ dân tiêu thụ quế với giá cao mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng. Để đạt được những thành tựu này, ông Long cho biết HTX đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ với người trồng quế, hỗ trợ họ từ khâu giống, kỹ thuật trồng đến thu hoạch.
"Chúng tôi cam kết thu mua quế của người dân với giá cao hơn thị trường. Điều này không chỉ giúp họ yên tâm sản xuất mà còn khuyến khích mở rộng diện tích trồng quế đạt chuẩn hữu cơ” - ông Long chia sẻ thêm.
Trong sắc xuân tươi mới, về xã Phong Dụ Thượng, chúng tôi thấy người dân thay đổi tập quán canh tác cũ để hướng đến sản xuất sạch, an toàn và thân thiện với môi trường, giúp thương hiệu quế nơi đây đã có được những công ty "khó tính” trên thế giới lựa chọn như: Olam Việt Nam, Vicemec, Rosy…
Ông Đặng Thừa Châu ở thôn Khe Mạng, xã Phong Dụ Thượng trước kia trồng quế chỉ biết bán cho thương lái, giá cả bấp bênh. Từ khi tham gia trồng quế hữu cơ, gia đình ông Châu được cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn cách chăm sóc và khai thác sản phẩm quế an toàn nên bán được giá hơn. Ông Châu phấn khởi chia sẻ: "Canh tác và khai thác nguyệt quế thực ra không quá phức tạp, bởi từ trước, chúng tôi đã quen trồng quế theo hướng hữu cơ. Điều khác biệt nằm ở chỗ: khi khai thác và sơ chế vỏ, người dân phải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật mà Công ty bao tiêu sản phẩm hướng dẫn. Cụ thể, chúng tôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, cũng không dùng thuốc diệt cỏ mà chỉ phát nương, làm cỏ bằng những cách truyền thống. Quá trình thu hoạch cũng cần lưu ý, như khi phơi quế phải ở nơi thoáng đãng, sạch sẽ và trải dưới nền để bảo đảm vệ sinh. Mặc dù có thêm một số yêu cầu khác, nhưng thay đổi lại giá cả ổn định, đầu ra bảo đảm nên chúng tôi rất phấn khởi. Cuộc sống của người trồng quế ngày càng khấm khá”.
Với vùng quế lớn nhất trong cả nước, giống quế được coi là tốt nhất và những ưu thế về chất lượng sản phẩm, hàm lượng tinh dầu, là sản phẩm thứ 16 trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm năm 2010; Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan công nhận năm 2014; được cấp nhãn hiệu chứng nhận năm 2020 và cấp chứng nhận hình ảnh cho sản phẩm năm 2022, Văn Yên đã có nhiều giải pháp để phát triển bền vững 52.000 ha quế ở 25/25 xã, thị trấn; đồng thời, chú trọng nâng tầm thương hiệu để cây quế Văn Yên không ngừng vươn xa và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.
Những đồi quế ơn Bác ở Văn Yên.
Chủ tịch UBND huyện Hà Đức Anh cho biết: "Huyện đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển bền vững cây quế. Đồng thời tập trung vào việc xây dựng chuỗi giá trị quế, từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sâu và tiêu thụ. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực này, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống”.
Một trong những giải pháp đáng chú ý là việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến hiện đại ngay tại địa phương. Điều này không chỉ giảm chi phí vận chuyển mà còn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm quế. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu Quế Văn Yên thông qua các hội chợ triển lãm, sự kiện quốc tế.
Những nỗ lực của huyện Văn Yên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Trồng quế không chỉ giúp cải thiện độ che phủ rừng mà còn giảm thiểu xói mòn đất, bảo vệ nguồn nước. Đây là hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển xanh, bền vững mà tỉnh Yên Bái đang hướng tới.
Theo ông Hoàng Văn Tuấn - khách du lịch Hà Nội khi đến Đại Sơn, Viễn Sơn tham quan, cây quế Văn Yên còn có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch sinh thái. "Khi đến với các vùng trồng quế, chúng tôi không chỉ được tham quan quy trình sản xuất mà còn trải nghiệm các hoạt động truyền thống như: làm tinh dầu, chế biến quế thủ công. Đây sẽ là cách quảng bá hiệu quả hơn nữa cho thương hiệu quế Văn Yên” - ông Tuấn nhận định.
Hành trình du xuân trên đất quế Văn Yên không chỉ là dịp để cảm nhận sắc xuân rực rỡ mà còn là cơ hội để chứng kiến sự thay đổi từng ngày của vùng đất này. Từ những người nông dân chất phác đến các doanh nhân, nhà khoa học, tất cả đều đang chung tay góp phần xây dựng thương hiệu quế Văn Yên ngày càng vững mạnh, xứng đáng là niềm tự hào của người dân Yên Bái. Thương hiệu Quế Văn Yên hôm nay không chỉ được tạo dựng từ những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền mà còn từ tâm huyết, khát vọng của những con người đang ngày đêm gắn bó với cây quế. Tất cả những điều đó tạo nên một bức tranh xuân đầy sắc màu, ấm áp và rực rỡ trên vùng đất quế.
Ngọc Sơn