5 tỉnh phù hợp xây nhà máy điện hạt nhân lớn ở Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/2/2025 | 7:50:06 AM

Bộ Công Thương đề xuất 5 tỉnh có tiềm năng ở khu vực Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn.

Bộ Công Thương đánh giá hiện có 8 vị trí tiềm năng nằm ở 5 tỉnh có thể xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn. (Ảnh minh họa)
Bộ Công Thương đánh giá hiện có 8 vị trí tiềm năng nằm ở 5 tỉnh có thể xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn. (Ảnh minh họa)

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), trong đó đề cập đến khả năng phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Theo đánh giá của cơ quan này, có 8 vị trí tiềm năng nằm ở 5 tỉnh sẽ phù hợp xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn, dựa trên Quyết định 906 ngày 17/6/2010 của Thủ tướng.

Cụ thể, mỗi vị trí có thể phát triển khoảng 4-6 GW công suất điện hạt nhân. Bộ Công Thương xác định 3 khu vực phù hợp cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân gồm Nam Trung Bộ (khoảng 25-30 GW), Trung Trung Bộ (khoảng 10 GW) và Bắc Trung Bộ (khoảng 4-5 GW).

Trong số này, hai địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải (tỉnh Ninh Thuận) đã được công bố quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, các vị trí khác như 2 địa điểm ở Quảng Ngãi và 1 địa điểm ở Bình Định cũng đang được xem xét cho phát triển 4 tổ máy điện hạt nhân quy mô lớn.

Danh sách 8 vị trí tiềm năng thuộc 5 tỉnh phù hợp cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân theo Quyết định 906 của Thủ tướng gồm:

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải và bãi Chà Là, thôn Bình Tiên, xã Cống Hải, huyện Thuận Bắc, cùng thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Tại tỉnh Quảng Ngãi có 2 vị trí gồm thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng và thôn Văn Bân, xã Đức Chánh, cùng thuộc huyện Mộ Đức. Vị trí tại tỉnh Bình Định là thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn. Vị trí tại tỉnh Phú Yên là Vũng La, thôn Phú Hải, xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu. Cuối cùng là thôn Sơn Tịnh, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết do không có quy hoạch được công bố chính thức, sau hơn 10 năm, các địa điểm này cần được rà soát, đánh giá lại để phù hợp với sự thay đổi về kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ cũng nhấn mạnh các nhà máy điện hạt nhân, bao gồm cả các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), cần được đặt tại các vị trí có tiềm năng về địa chất, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho việc quản lý chất thải hạt nhân.

Hiện tại, Việt Nam chưa có quy định pháp lý cụ thể về yêu cầu địa điểm đối với lò công nghệ SMR. Do đó, trong trường hợp chưa có hướng dẫn chi tiết, việc lựa chọn địa điểm cho SMR sẽ phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn áp dụng cho nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn.

Trong bối cảnh này, chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang được xem xét nghiêm túc. Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động dự án này và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Trước đây, hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) nhưng chưa được phê duyệt. Hiện nay, đề án phát triển điện hạt nhân đang được Chính phủ xem xét trong kịch bản chính sách phát triển năng lượng quốc gia.

Mới đây, tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ là chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, trong khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chịu trách nhiệm phát triển Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước ngày 31/12/2030.

(Theo Znews)

Các tin khác
Giá vàng thế giới dự báo sớm vượt 2.900 USD và hướng tới 3.000 USD, vàng nhẫn có thể lên 100 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới dồn dập lập đỉnh trong phiên 5/2 trước nguy cơ thương chiến ở mức cao, Trung Đông nóng bỏng và ngân hàng trung ương các nước liên tiếp mua ròng. Vàng miếng SJC, vàng nhẫn không còn xa ngưỡng 100 triệu đồng/lượng.

Dịch vụ bưu chính, chuyển phát đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên tục để phục vụ kịp thời cho khách hàng dịp tết.

Trong tháng 1/2025, doanh thu vận tải, kho bãi, bưu chính chuyển phát trên địa bàn tỉnh Yên Bái dự ước đạt gần 260 tỷ đồng, tăng 1,63% so tháng trước, tăng 31,71% so cùng kỳ năm trước.

Khu công nghiệp Âu Lâu có vị trí thuân lợi về giao thông sẽ là điểm mạnh trong thu hút đầu tư.

Trong tháng 1/2025, Yên Bái đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 258,7 tỷ đồng.

Dây chuyền sản xuất tơ tằm của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu thu hút tối thiểu 45 dự án được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, phù hợp với danh mục ưu tiên thu hút đầu tư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục