Sơn A: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
- Cập nhật: Thứ ba, 21/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nằm trong cánh đồng Mường Lò đất đai mầu mỡ, tưới tiêu thuận lợi, cư dân có trình độ sản xuất thâm canh lâu đời. Cùng với nét văn hoá Thái - Mường đặc sắc, Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) còn được thiên nhiên ban tặng cho suối nước nóng thiên nhiên Cò Cọi. Nhưng, đến thời điểm này những lợi thế về tiềm năng đó vẫn ngủ yên. Sơn A vẫn là một xã nghèo!
Tiềm năng suối khoáng nóng tự nhiên ở Văn Chấn vẫn còn bỏ ngỏ.
|
Con đường rải đá cấp phối, bụi mù mịt dưới bánh xe. Bên đường những ngôi nhà sàn đơn sơ, khiêm tốn khép mình trong những lùm cây, chúng tôi vào bản Cò Cọi. Không được giới thiệu trước tôi không tưởng tượng đây là khu vực nước nóng thiên nhiên nổi tiếng có thể phục vụ việc chữa bệnh cũng như phát triển du lịch và dịch vụ.
Không một tấm biển báo, khu bể chính - nơi chứa nước là một giếng gạch xây tròn, cũ kỹ. Có lẽ, thời gian tồn tại của nó còn hơn tuổi cách trẻ chúng tôi! Gần khu giếng nước, một dãy nhà tắm xây cấp bốn cửa vào được khóa kín, lán để xe cho khách xập xệ, tồi tàn. Đợi cả tiếng đồng hồ, chúng tôi mới thấy vài cụ ông, cụ bà đến tắm. Ông Sa Hin 73 tuổi người thôn Cò Cọi 2, cười nói: Lão đã tắm ở giếng nước nóng này từ bé. Nước ở đây tốt lắm, tắm nhiều người không có bệnh tật gì. Các anh ở xa cũng nên tắm một lần cho biết”. Trước sự thất vọng của tôi, anh bạn người địa phương dẫn đường cho biết: Mặc dù được đánh giá không thua kém suối nước nóng ở Mỹ Lâm (Tuyên Quang), nhưng do chưa được đầu tư nên mỗi năm suối chỉ khách đến tắm vào mùa đông.
Thất vọng của chúng tôi tăng lên bội phần khi tại trụ sở UBND xã, Phó chủ tịch UBND xã Mè Văn Chiến buồn rầu thông báo: Huyện vừa thông báo, dự án đầu tư 22 tỷ đồng xây dựng khu vực này thành điểm du lịch sinh thái do Công ty cổ phần điện miền Bắc 3 đầu tư đã không thực hiện được. Điểm nước nóng Cò Cọi vẫn chỉ là dạng tiềm năng!”
Anh Chiến cho biết thêm:” Mong muốn xây dựng Cò Cọi thành điểm du lịch là nguyện vọng của tất cả mọi người dân trong xã. Vì, có xây dựng đây là điểm du lịch thì đời sống của nhân dân mới có cơ hội thay đổi. Nhưng tiềm lực xã có hạn nên dù biết là lãng phí nhưng vẫn phải chấp nhận. Tôi nhẩm tính, chỉ còn ít thời gian nữa Yên Bái sẽ đăng cai Chương trình Du lịch về nguồn. Ai cũng bảo cánh đồng Mường Lò nhiều điểm vui chơi hấp dẫn, trong đó có tắm suối nước nóng Cò Cọi. Nhưng với những gì đang có thì suối nước nóng này mới có tên trên bản đồ du lịch ở Mường Lò!
Với tổng diện tích tự nhiên 858,9 ha, trong đó có 210 ha lúa nước và 100 ha đất rừng. Địa hình bằng phẳng, đất đai mầu mỡ, Sơn A là nơi cư trú lâu đời của người Mường, Thái, Kinh. Trong giai đoạn CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn hiện nay, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền nhân dân đã đẩy mạnh thâm canh. Diện tích lúa nước đã được nhân dân đưa các giống lúa lai vào gieo cấy, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ ha, đến nay 50% diện tích lúa hai vụ đã được chuyển sang làm vụ 3 bằng các loại cây mầu như ngô, đậu… Vì vậy, giá trị trên 1 ha diện tích ở Sơn A đã đạt từ 30 - 40 triệu đồng, lương thực chia theo đầu người đã đạt xấp xỉ 700 kg/ người/năm. Tuy nhiên, với việc đầu tư tăng, sự lạm phát của giá cả... thì lợi nhuận mà người nông dân thu được trên 1 ha diện tích sau khi trừ chi phí cũng không còn được bao nhiêu. Thực tế cuộc sống của nhiều hộ gia đình Sơn A còn gặp nhiều khó khăn, có 415/970 hộ thuộc diện đói nghèo, trong xã hầu như chưa có hộ giàu.
Có tiềm năng sao người dân Sơn A vẫn nghèo? Tìm hiểu thực tế cho thấy, bên cạnh nguyên nhân chưa có sự đầu tư thích đáng để bật dậy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương thì những gì đã và đang diễn ra vẫn vẫn thuộc về của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.
Qua tìm hiểu được biết, việc thiếu kiến thức, tư duy và tập tục sản xuất cũ chính là những rào cản để Sơn A bứt phá đi lên. Điều này có thể minh chứng, thông qua nhiều nguồn vốn vay đến nay dư nợ trong dân đạt 3,2 tỷ đồng, nếu chia trung bình cho trên 970 hộ dân thì mỗi hộ sẽ có một khoản vốn không phải là nhỏ để đầu tư sản xuất. Nhưng, do chưa biết tính toán làm ăn mà đồng vốn đó chưa được phát huy hiệu quả. Hay như việc thâm canh, tăng vụ, đưa những giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy. Hiện trên địa bàn có giống lúa Xén cù, là giống địa phương chất lượng gạo ngon, giá thành cao…theo tính toán gieo cấy giống lúa này có hiệu quả cao hơn với gieo cấy lúa lai, nhưng người dân vẫn chưa đầu tư mở rộng diện tích nên giá trị trên một ha ở Sơn A vẫn chưa cao. Đồng đất chưa nuôi nổi con người.
Chúng tôi rời Sơn A khi dòng nước nóng Cò Cọi vẫn từ suối Cài chảy hoài xuống ngòi Thia, lúa ngoài đồng xanh ngút ngát. Đẹp vậy, thanh bình vậy, nhưng trong những mái nhà sàn kia người dân vẫn phải vật lộn để mưu sinh! Có lẽ điều này sẽ còn tồn tại khi điểm nước nóng Cò Cọi chưa được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước để xây dựng thành điểm du lịch. Chính quyền và người dân nơi đây chưa vượt lên chính mình để phát huy hết tiềm năng với những công việc cụ thể, sát thực như: xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, thủy lợi, xây dựng đời sống văn hoá, duy trì nét đẹp văn hoá truyền thống, thay đổi kiểu làm ăn cũ sang tư duy sản xuất mới - tư duy sản xuất hàng hoá theo nhu cầu thị trường...
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã có những cố gắng để từng bước hoàn thiện hệ thống đường giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, để có những con đường tương xứng với tầm phát triển và đòi hỏi mỹ quan của thị xã thì Nghĩa Lộ rất cần sự nỗ lực và đầu tư mạnh mẽ hơn.
YBĐT - Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái đã ra Nghị quyết 07-NQ/TU về “Đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế phát triển quan trọng của tỉnh”, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng du lịch hàng năm đạt từ 30% trở lên.
YBĐT - Hiệu quả kinh tế đã được khẳng định, mà cây đậu tương lại không được bà con đón nhận đưa vào sản xuất và coi là cây trồng chủ lực tạo thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo. Vụ đậu tương xuân 2007 vừa qua, theo kế hoạch toàn huyện gieo trồng 150 ha đậu tương. Tuy nhiên, số diện tích gieo trồng chỉ đạt 142,4ha.
YBĐT - Hôm nay, Việt Hồng đang từng ngày thay da đổi thịt. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn, Đảng bộ và nhân dân Việt Hồng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.