Cắt giảm dự án không hiệu quả để kiềm chế lạm phát: Cắt giảm ngay 20%, không chờ tiêu chí
- Cập nhật: Thứ ba, 25/3/2008 | 12:00:00 AM
Ông Nguyễn Đình Cung - trưởng ban kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng không đợi tiêu chí từ Bộ Kế hoạch - đầu tư để cắt giảm các công trình không hiệu quả mà ấn định luôn mức 20% cho mỗi bộ ngành. Ông nói:
Ông Nguyễn Đình Cung.
|
- Chống lạm phát ở VN cần nhiều biện pháp kịp thời và hiệu quả. Hiện đầu tư từ khu vực nhà nước chiếm khoảng 50% tổng đầu tư xã hội. Việc cắt giảm các dự án đầu tư không hiệu quả đang rất cần thực hiện ngay để hỗ trợ các biện pháp tài chính, tiền tệ.
Thưa ông, phải chăng việc cắt giảm đầu tư không hiệu quả phải được bắt đầu từ gốc, tức phải hạ tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước từ 5% GDP xuống?
- Bội chi ngân sách nhà nước là Nhà nước tiêu vượt quá nguồn thu. 5% GDP là khoảng 3-4 tỉ USD/năm. Nguồn chi vượt quá này được bù từ vay trong và ngoài nước. Nguồn bội chi cũng đóng góp vào lạm phát. Mức 5% có nên giảm hay không vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Liên minh châu Âu qui định các nước thành viên của mình bội chi ngân sách không được vượt quá 3% để đảm bảo ổn định vĩ mô. Về lâu dài, bội chi ngân sách nhà nước cần được xem xét lại, nhưng trước mắt nguồn bội chi này phải được chi tiêu có hiệu quả.
Đã có chủ trương cắt giảm các dự án đầu tư không hiệu quả nhưng còn chờ tiêu chí. Theo ông, tiêu chí đó phải như thế nào?
- Với vốn đầu tư rất lớn, việc cắt giảm chi tiêu công, đặc biệt là hạn chế những công trình đầu tư không hiệu quả, nếu được thực hiện tốt sẽ tác động nhanh và mạnh đến lạm phát. Nhiều người cho rằng cần phải có tiêu chí nhưng tôi nghĩ không cần. Đưa ra tiêu chí mà không đưa định mức phải cắt giảm bao nhiêu thì sẽ có mấy công trình không hiệu quả bị đình chỉ? Liệu tất cả công trình đầu tư kém hiệu quả sẽ bị xử lý? Theo tôi là rất khó.
Nếu không có tiêu chí, theo ông, sẽ phải cắt giảm thế nào?
- Dựa trên đánh giá đã được thừa nhận chung là hiện còn nhiều công trình đầu tư không hiệu quả, tôi nghĩ nên ấn định mức phải cắt giảm là 20% cho tất cả bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty... Người ra quyết định đầu tư nên được giao ra quyết định cắt giảm. Họ là người biết hơn ai hết cái nào không hiệu quả. Có thể coi đây là biện pháp cực đoan, tuy nhiên nhiều nước dù đầu tư hiệu quả nhưng khi lạm phát họ cũng cắt giảm. Vì thế trong bối cảnh lạm phát hiện nay, VN ấn định con số phải cắt giảm là cần thiết. Khi có sức ép con số cụ thể, nơi nào thật sự cần đầu tư sẽ phải đình hoãn các dự án kém hiệu quả hơn. Nếu đợi tiêu chí sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau và kết quả thường là công trình nào cũng cần phải tiếp tục.
Theo ông, Chính phủ nên tiết kiệm những khoản nào để cùng chia sẻ khó khăn với người dân?
- Chính phủ đã đề ra phải cắt giảm chi tiêu. Hiện chi thường xuyên của các bộ, ngành phần lớn là lương. Phần này không thể cắt. Cái có thể cắt là chi tiếp khách, mua sắm thiết bị, làm lại nội thất, đặc biệt là chi phí cho xe hơi... Phải có qui định cụ thể về chi tiêu những khoản này trong điều kiện mới. Chủ trương tiết kiệm điện, nhiên liệu cũng nên được cụ thể hóa. Trong các cơ quan hành chính, nếu đã có đầy đủ các công cụ đo lường thì có thể khoán tiền điện, nước. Nếu vượt quá thì công chức phải bỏ tiền ra trả. Như thế mới tiết kiệm được.
(Theo TTO)
Các tin khác
Sáng 25/3, giá vàng trong nước không biến động nhiều, dao động quanh mốc 1,8 triệu đồng/chỉ, bán ra phổ biến ở mức 1,807 triệu đồng-1,810 triệu đồng/chỉ.
Chính phủ vừa yêu cầu liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Kho bạc Nhà nước chuyển số dư tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước. Đây là một trong nhiều giải pháp thắt chặt tiền tệ, nhằm góp phần kiềm chế lạm phát.
Chiều 24/3/2008, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã gặp đông đảo báo chí, thông báo công tác bảo đảm nguồn và tổ chức kinh doanh xăng dầu (XD) thời gian tới.