Yên Bình: Khai thác nội lực phát triển kinh tế

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mặc dù không nằm trong khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Yên Bái, song Yên Bình lại có một “tập đoàn” doanh nghiệp với 35 công ty TNHH, 5 công ty cổ phần, 14 doanh nghiệp tư nhân, 15 HTX và trên 1.000 hộ kinh doanh cá thể. Không chỉ dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp, huyện còn có số lượng cũng như quy mô sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh lớn nhất tỉnh.

Các cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng đang phát huy hiệu quả, đóng góp lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của huyện Yên Bình.
Các cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng đang phát huy hiệu quả, đóng góp lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của huyện Yên Bình.

Từ một vùng đất đầy khó khăn và thiếu thốn, hôm nay Yên Bình đang có một sức vươn kỳ diệu. Những dãy núi trập trùng, trầm mặc như mơ ngủ giữa đại ngàn thủa nào nay đã khoác lên mình một mầu xanh no ấm. Trên các miền quê từ Đại Đồng, Mông Sơn đến xã vùng cao khó khăn Ngọc Chấn, Xuân Long…, "điện-đường-trường-trạm" được xây dựng khang trang, đã và đang từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển. Cụm công nghiệp khai thác đá Mông Sơn, Đại Đồng và Thịnh Hưng đang hình thành. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Một cuộc sống mới đang hiển hiện trên mỗi vùng quê.

Yên Bình là một huyện vùng thấp của tỉnh, có hệ thống giao thông đi lại rất thuận tiện, nhiều cơ quan, doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn… "Thiên thời, địa lợi" là vậy, song đã nhiều năm, nơi đây vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Làm gì để đưa Yên Bình trở thành một huyện giàu mạnh luôn là vấn đề trăn trở đối với mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cùng với các chính quyền cơ sở đã có nhiều cuộc “vi hành” về các miền quê để tìm hiểu các tiềm năng, thế mạnh và để nghe dân nói…

Cùng với đó, Yên Bình đã xây dựng các chuyên đề, chương trình phát triển kinh tế, gắn với từng vùng. Nếu như các huyện, thị khác tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất lúa bảo đảm an ninh lương thực thì Yên Bình lại có cách làm khác. Đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi ha canh tác để bảo đảm an ninh lương thực. Yên Bình ruộng nước có nhiều, song chủ yếu là chân chua ớm bóng, diện tích bờ xôi, ruộng mật đã nằm lại dưới lòng hồ nhường chỗ cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà nên có đầu tư cao, chăm sóc nhiều cũng không thể cho năng suất cao. Bởi vậy, huyện đã vận động, giúp người dân chuyển đổi diện tích ruộng này sang trồng rau xanh, thậm chí đào ao nuôi trồng thủy sản, miễn làm sao cho giá trị kinh tế cao giúp người dân cải thiện cuộc sống. "Yên Bình phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá mà tập trung vào những lĩnh vực, cây con có lợi thế, giá trị kinh tế cao" - Bí thư Huyện ủy Hoàng Xuân Nguyên lý giải.

Bên cạnh đó, vùng bán ngập hồ Thác Bà trước đây bà con vẫn cấy lúa nhưng hiệu quả thấp, thường xuyên mất ăn bởi bão lũ, nay chuyển sang trồng lạc, đỗ tương, từng bước hình thành những vùng chuyên canh lớn. Giờ bình quân mỗi năm, vùng này có trên 350 ha lạc xuân, đặc biệt trong một hai vụ trở lại đây, bà con trồng thêm lạc vụ thu. Lạc vụ thu tuy năng suất thấp hơn, nhưng lại cho giá trị kinh tế cao gần gấp đôi lạc xuân, lại còn có giống cho trồng vụ xuân. Kinh tế đồi rừng từ lâu đã là thế mạnh của Yên Bình. Yên Bình hôm nay không còn diện tích đất trống, đồi núi trọc, tỷ lệ tàn che phủ đạt gần 60%.

Rừng trồng trên đảo hồ Thác Bà.
(Ảnh: Thanh Miền)

Hàng năm, 700 - 800 ha rừng trồng kinh tế đến tuổi khai thác, sản lượng gỗ đạt trên 2 ngàn m3, bán với giá thị trường bình quân 700 ngàn đồng/m3,  mang lại một nguồn thu không nhỏ. Bên cạnh đó, huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, hình thành phát triển 36 cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, nâng cao giá trị kinh tế, giải quyết việc làm thu nhập cho người dân.

Vài năm trở lại đây, rừng trồng năm đầu còn trồng xen canh cây sắn với diện tích 2.500 ha, hình thành vùng chuyên canh sắn 1500 ha tại một số xã vùng Đông hồ. Sản lượng sắn mỗi năm cũng đạt trên 85 ngàn tấn. Chỉ tính riêng trong năm 2007, nhân dân đã thu 65 tỷ đồng từ bán sắn củ và trong năm 2008 này thu không dưới 100 tỷ đồng. Chè là cây mũi nhọn, song do giống chè cũ, trồng lâu năm già cỗi dẫn đến năng suất thấp. Để nâng cao giá trị kinh tế, đưa cây chè trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2006, huyện xây dựng nghị quyết chuyên đề về trồng và cải tạo giống chè.

Chỉ trong năm đầu thực hiện, toàn huyện đã trồng thay thế 74 ha chè già cỗi bằng giống chè lai, chè nhập nội có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng chế biến chè xuất khẩu. Năm 2007, toàn huyện trồng cải tạo 80 ha, ba tháng đầu năm nay đã trồng được 50 ha, đưa tổng diện tích chè lên 2.076 ha. Cùng với trồng cải tạo, bà con tích cực đầu tư thâm canh đưa năng suất chè bình quân lên 65 tạ/ha, sản lượng chè đạt 14 ngàn tấn. Các xã ven hồ Thác Bà đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng bán công nghiệp.

Cùng với phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp, huyện chú trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mặc dù không nằm trong khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, song Yên Bình lại có một “tập đoàn” doanh nghiệp với 35 công ty TNHH, 5 công ty cổ phần, 14 doanh nghiệp tư nhân, 15 HTX và trên 1.000 hộ kinh doanh cá thể. Không chỉ dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp, huyện còn có số lượng cũng như quy mô sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh lớn nhất tỉnh. Các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, chế biến với các ngành nghề thế mạnh của huyện là khai thác, chế biến bột đá, sản xuất bao bì, chế biến chè, gỗ, tinh bột sắn…; giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh năm 2007 đạt 130 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong quí 1 năm 2008, giá trị sản xuất đã đạt 50 tỷ đồng. Mặc dù còn nhiều khó khăn về giá vật tư, nguyên liệu song các doanh nghiệp vẫn giữ được nhịp độ sản xuất, phấn đấu hết năm đạt 200 tỷ đồng.

Với những hướng đi và cách làm cụ thể đó, kinh tế-xã hội huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ: số hộ đói nghèo bình quân mỗi năm giảm 4%; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm vừa qua đạt 13,8%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch, đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,5 triệu đồng/năm là minh chứng cho những bước đi đúng đắn của Yên Bình, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

Thanh Phúc

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục