Kinh tế trang trại ở Trấn Yên:

Thực trạng và những vấn đề cần giải quyết

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, kinh tế trang trại của Trấn Yên (Yên Bái) đã hình thành và bước đầu đã có sự phát triển. Đây là loại hình sản xuất có hiệu quả, tạo thêm động lực cho nền sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp. Huyện cũng đã tạo mọi điều kiện về giao đất, giao rừng, vốn vay, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao KHKT... cho kinh tế trang trại ra đời và phát triển.

Khai thác quế vỏ tại một trang trại ở xã Đào Thịnh (Trấn Yên). (Ảnh: Minh Thúy)
Khai thác quế vỏ tại một trang trại ở xã Đào Thịnh (Trấn Yên). (Ảnh: Minh Thúy)

Theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì “Một trang trại lâm nghiệp phải có diện tích từ 10 ha và có giá trị trao đổi hàng hoá đạt từ 40 triệu đồng trở lên. Đối với các trang trại nông nghiệp phải có diện tích ít nhất từ 2 ha trở lên”. Với tiêu chí này thì hiện nay ở Trấn Yên có 93 trang trại, trong đó có 89 trang trại lâm nghiệp, 2 trang trại nuôi trồng thuỷ sản, 1 trang trại kinh doanh tổng hợp và 1 trang trại trồng cây lâu năm; tập trung ở các xã Việt Cường (16 trang trại), Lương Thịnh (18 trang trại), Hồng Ca (10 trang trại), Y Can (8 trang trại), Quy Mông (11 trang trại), Kiên Thành (10 trang trại)...

Các trang trại trên địa bàn huyện đang sử dụng 1.529ha đất lâm nghiệp, 52ha đất nông nghiệp, 27ha đất nuôi trồng thuỷ sản. Mặc dù mới chỉ là “lấy ngắn nuôi dài”, sản phẩm làm ra chưa có nhiều, nhưng đã giải quyết việc làm cho 1.242 lao động, trong đó đã giải quyết việc làm trực tiếp cho 245 lao động của chủ hộ có trang trại và 936 lao động thời vụ. Tổng số vốn của 93 trang trại này là 14.795 triệu đồng, bình quân mỗi năm kinh tế trang trại trong huyện thu nhập trên 4 tỷ đồng.

Có thể nói, kinh tế trang trại của Trấn Yên hiện nay chủ yếu là trồng rừng và sản xuất lâm nghiệp, các trang trại kinh tế về nông nghiệp là rất ít. Việc hình thành và phát triển kinh tế trang trại đã giúp cho Trấn Yên từng bước phủ xanh đất trống đồi núi trọc, người dân tích cực khai hoang tận dụng mặt nước ao hồ để đưa vào sản xuất, đồng thời nhận khoán đất của Nhà nước, của lâm trường để đầu tư phát triển trang trại.

Tuy là huyện có nhiều lợi thế để phát triển và nhân rộng mô hình trang trại nhưng trên thực tế mô hình kinh tế này còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển, bởi quy mô còn nhỏ lẻ, diện tích đất đai manh mún, không được quy hoạch tập trung. Một thực trạng nữa là khả năng đầu tư về vốn, giống, nhân lực cho kinh tế trang trại rất hạn chế bởi nguyên do là đa phần các chủ trang trại trong quá trình phát triển gặp rất nhiều khó khăn về vốn vay, nguồn đầu tư chủ yếu là nguồn vốn tự có của gia đình.

Chính điều này đã ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô sản xuất và đưa cơ giới hoá vào trong phát triển kinh tế trang trại. Hiện nay, lao động chủ yếu trong các trang trại vẫn là lao động thủ công của gia đình, còn thuê ngoài chỉ mang tính chất thời vụ. Vì vậy, sản phẩm làm ra chưa nhiều, giá trị trao đổi hàng hoá thấp, chưa có sức cạnh tranh, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Từ thực trạng phát triển kinh tế trang trại ở Trấn Yên, có thể rút ra 3 vấn đề cốt lõi để phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện là: giải quyết tốt vấn đề đất đai, vốn và lao động. Về nguồn đất đai, hiện nay, đất nông nghiệp của huyện Trấn Yên đã được giao cho nông dân quản lý, sử dụng nhưng rất manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung. Để phát triển kinh tế trang trại thì phải tích tụ ruộng đất, để hình thành trang trại tập trung và sản xuất hàng hoá. Muốn vậy, chỉ có biện pháp: dồn điền đổi thửa, cho thuê đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng. Người chủ trang trại đó chính là những người nông dân có kinh nghiệm, có khả năng quản lý và tổ chức sản xuất hoặc cũng có thể là các doanh nghiệp và những người có khả năng thuê đất. Còn người chuyển nhượng đất sẽ chuyển sang làm thuê hoặc chuyển sang làm ngành nghề khác để có thu nhập ổn định và cao hơn.

Về nguồn lao động, hiện nay các chủ trang trại đang sử dụng nguồn lao động trong gia đình là chính, chỉ thuê mướn người lao động theo mùa vụ. Chính vì vậy, sức lao động chưa trở thành hàng hoá ở nông thôn và trong sản xuất nông nghiệp  và lẽ tất nhiên là quy mô trang trại chậm được mở rộng, sản phẩm làm ra không lớn, thu nhập của trang trại chỉ đủ trang trải và có một phần để tích luỹ. Về nguồn vốn, một thực tế là kinh tế trang trại, kinh tế hộ ở Trấn Yên chưa được tiếp cận nhiều với nguồn vốn vay ưu đãi, các ngân hàng chưa quan tâm tạo điều kiện cho các chủ trang trại vay vốn để sản xuất, mức cho vay lại quá thấp, thời gian cho vay không dài. Trong khi sản phẩm của các trang trại cung cấp cho thị trường không nhiều, sức cạnh tranh thấp, chính điều này ảnh hưởng ít nhiều đến vấn đề tái đầu tư cho sản xuất.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, huyện Trấn Yên không có nhiều mô hình kinh tế trang trại theo đúng nghĩa, kể cả những trang trại trong lĩnh vực lâm nghiệp như hiện nay mà đang có sự nhầm lẫn giữa kinh tế hộ với kinh tế trang trại. Trong khi tiềm năng, thế mạnh của huyện là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại, chỉ cần có chính sách đầu tư cho lĩnh vực này, kết hợp với quyết tâm của người nông dân trong làm ăn kinh tế thì kinh tế trang trại sẽ là một hướng đi phù hợp, nhất là trong lĩnh vực trồng và chế biến gỗ rừng trồng, chăn nuôi, sản xuất lúa hàng hoá...

Để phát triển kinh tế trang trại ở Trấn Yên nói riêng và các địa phương khác nói chung, trong công tác lãnh đạo cần quan tâm đến mấy vấn đề có ý nghĩa định hướng và hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Đó là, tỉnh cần có chủ trương, kế hoạch và cơ chế chính sách để tiến hành dồn điền đổi thửa trong nông nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho quá trình tích tụ ruộng đất. Có chính sách phù hợp và sát thực hơn nữa về vấn đề giải quyết vốn vay cho các hộ nông dân đầu tư cho phát triển kinh tế trang trại. Thực hiện nhiều chính sách về đào tạo, chuyển giao KHKT, tham quan học tập các mô hình kinh tế trang trại làm ăn có hiệu quả giúp các chủ trang trại có thêm kiến thức về quản lý, tổ chức sản xuất, ngay tại trang trại mình. Tiếp tục tuyên truyền vận động nông dân từ bỏ thói quen tập tục sản xuất tự cung tự cấp và tư tưởng trông chờ ỷ lại để vươn lên làm ăn kinh tế.

Về tổng thể, Nhà nước phải có chính sách về phát triển kinh tế trang trại, tập trung sản xuất hàng hoá trong lâm nghiệp và thuỷ sản đối với các vùng phát triển, không để nông dân tự phát, tự lo liệu trong phát triển kinh tế trang trại như hiện nay. Bởi vì, thực tế chính sách của Nhà nước thì có nhiều nhưng để phát huy tác dụng và đi vào cuộc sống vẫn còn một khoảng cách khá xa mà người nông dân không có điều kiện thực hiện được.

Giải quyết tốt các vấn đề đang tồn tại trong kinh tế trang trại cùng với những chính sách cởi mở, hỗ trợ tích cực của Nhà nước, kinh tế trang trại sẽ có động lực phát triển mới góp phần tích cực vào quá trình phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới.                        

Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Huyện uỷ Trấn Yên

Các tin khác

Ngày 7.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký QĐ 89/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành than VN đến năm 2015, định hướng đến 2025, với mục tiêu đạt sản lượng than sạch khoảng 48 - 50 triệu tấn vào năm 2010.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ GT-VT ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt đô thị nối thẳng từ ga Hà Nội đến các nhà ga T1, T2 của sân bay quốc tế Nội Bài để có thể đáp ứng khối lượng vận tải hàng không ở sân bay Nội Bài tăng khá nhanh (khoảng 10%/năm).

Dây chuyền chế biến chè Ô Long của Doanh nghiệp Thành Công.

YBĐT - Sau nhiều năm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, vừa qua Doanh nghiệp tư nhân Thành Công đã khai trương xưởng chế biến chè Ô Long tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

YBĐT - Với sự giúp đỡ của tỉnh Yên Bái và nỗ lực khắc phục khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, kinh tế 6 tháng đầu năm của thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục có bước tăng trưởng khá, đời sống nhân dân ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục