Yên Bái: Dự án triển khai chậm, thiếu đất sản xuất cần có giải pháp khắc phục
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hàng năm, mỗi khi bước vào hè, nước ta luôn rơi vào tình trạng thiếu điện sản xuất và sinh hoạt nên việc cắt điện luân phiên vẫn diễn ra ở các địa phương trên toàn quốc. Thiếu điện là vậy nhưng Dự án Thủy điện Nậm Đông 3 và 4 do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện Miền Bắc 3, đầu tư tại xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có công suất 21,4 MW với tổng vốn đầu tư 354 tỷ đồng hiện nay triển khai chậm.
Hàng trăm tấn thiết bị trị giá hàng tỷ đồng của Dự án Thủy điện Nậm Đông 3+4 dãi dầu cùng mưa nắng.
|
Theo thiết kế, Nhà máy Thủy điện Nậm Đông 3 được khởi công từ đầu năm 2004 và sẽ phát điện tổ máy số 1 vào năm nay nhưng qua kiểm tra thực tế của Sở Công thương Yên Bái thì còn nhiều hạng mục có khối lượng công việc lớn chưa hoàn thành như đường ống áp lực, nhà máy... nên tiến độ của Dự án rất chậm, nếu có nhanh cũng phải quý II-2009 mới có thể hoàn thành.
Hiện tại, hàng trăm tấn thiết bị của Nhà máy có giá trị hàng tỷ đồng nằm phơi mưa, nắng suốt 2 năm qua. Được biết, trong khi diện tích cấy lúa nước của xã đã ít (xã có diện tích tự nhiên 14.750 ha thì diện tích cấy lúa nước chỉ có 30,7 ha, diện tích rừng là 1.744 ha, diện tích lúa nương là 103 ha, còn lại là đất trống đồi núi trọc) thì Dự án Thủy điện Nậm Đông 3 và 4 sau khi khởi công xây dựng tại xã đã lấy đi khoảng 5 ha cấy lúa nước của người dân thôn 3 là Pá Te, Pá Khoang, Làng Linh nên đồng bào đã thiếu đất sản xuất nay lại càng thêm thiếu.
Đặc biệt, sau khi Dự án triển khai, công tác đền bù giải phóng mặt bằng giữa Ban quản lý dự án, các nhà thầu với nhân dân hai thôn Pá Khoang và Làng Linh không thống nhất về mức đền bù giá trị đất và hoa màu trên đất nên đã phát sinh nhiều mâu thuẫn mà cao điểm nhất là ngày 16/3/2008 đã xảy ra xô xát giữa công nhân Công ty Việt Bắc (Bộ Quốc phòng - đơn vị thi công) với nhân dân 2 thôn trên. Mặt khác, do mở đường giao thông làm thủy điện nên phần lớn kênh mương tưới tiêu của bản Pá Te đã bị đất đá vùi lấp, không đưa được nước về đồng ruộng. Thành thử, đất ruộng đã ít nay thiếu nước sản xuất nên ruộng bị bỏ hoang, nhân dân trong xã đang lâm vào tình cảnh thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt.
Xã Túc Đán hiện có trên 350 hộ với gần 2.300 khẩu, trong đó đồng bào Mông chiếm 99%. Do trình độ dân trí thấp, thiếu đất sản xuất nên kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo của xã vẫn còn trên 60%. Cũng do thiếu đất sản xuất nên cách đây một năm, hơn 30 ha rừng khoanh nuôi tái sinh và rừng già đầu nguồn của hai bản Pá Khoang và Háng Tầu đã bị chính những người dân sở tại tàn phá nghiêm trọng. Tình trạng thiếu đất sản xuất đang đẩy người dân tới cảnh phải đi làm thuê, vào rừng chặt củi kiếm kế sinh nhai.
Gia đình anh Hoàng Văn Muôn, dân tộc Khơ Mú bản Pá Te có 1.000m2 ruộng nước nằm trong diện giải phóng mặt bằng thủy điện, sau khi được Dự án đền bù 40 triệu đồng từ năm 2005 do không có đất sản xuất cộng với đau ốm bệnh tật, đã dùng hết số tiền trên để chữa bệnh, đến nay cả gia đình với 6 miệng ăn chỉ trông cậy vào 700m2 ruộng nương và công việc làm thuê của người vợ, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, thiếu ăn triền miên. Ngoài gia đình anh Muôn còn hàng chục hộ dân do mất đất sản xuất mỗi năm thiếu ăn từ 3 đến 4 tháng. Đơn cử như hộ Mè Văn Ón với 12 nhân khẩu, khai hoang được 3.000m2 ruộng nước nhưng hiện nay diện tích này nằm trong Dự án, thiếu đất sản xuất mỗi năm gia đình ông thiếu ăn 3 tháng...
Việc lấy đất nông nghiệp để làm dự án có hiệu quả hơn là điều tất yếu, song doanh nghiệp cần phải bảo đảm tiến độ công trình, nhanh đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả; đồng thời để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất do các dự án công nghiệp đầu tư, các cấp, các ngành và huyện trước khi triển khai dự án cần rà soát cụ thể những vùng đất bờ xôi ruộng mật để làm dự án, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu dự án chưa phát huy hiệu quả, một số dự án mang tính chất "nhận đất xí phần" sau khi khởi công nhưng không triển khai xây dựng cần rà soát cụ thể, cần thiết thì rút giấy phép đầu tư để trả lại đất cho đồng bào canh tác, sản xuất.
Ngoài ra, chính quyền cơ sở cần mở thêm nhiều ngành nghề ngoài việc làm ruộng, cần phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp v.v... và dạy nghề, tạo việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số để họ có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, có thể sinh sống được từ nghề phụ trong khi diện tích đất nông nghiệp mỗi ngày một thu hẹp do các dự án đầu tư tràn lan, chưa mang lại hiệu quả.
Thái Bình
Các tin khác
Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không phải là điểm bắt đầu và kết thúc của quá trình hội nhập của Việt Nam. Khó có thể đánh giá chỉ bằng những con số thống kê về tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam trong một năm rưỡi qua, song ai cũng cảm nhận được thời cơ và những hiệu ứng mà hội nhập và WTO trực tiếp hoặc gián tiếp mang lại.
YBĐT - Thời gian qua, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải liên tục xuất hiện mưa to kéo dài trong nhiều ngày, lượng mưa trung bình đo được là 598,4mm, đã gây ra lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là chỉ được tham gia vào một ngân hàng nên dù đã được phê duyệt cho phép tham gia thành lập Ngân hàng Hồng Việt với 20% vốn nhưng Tập đoàn Dầu khí hiện vẫn đang phải cân nhắc, hoặc thoái vốn ở ngân hàng hiện nay là dầu khí Toàn cầu hoặc bỏ qua việc thành lập mới Hồng Việt", Phó ban chỉ đạo đổi mới DN Phạm Viết Muôn cho biết, tại cuộc họp báo sáng 10/7.
Với mức giảm 20 USD mỗi tấn mà PetroVietnam thông báo, các nhà phân phối gas có thể hạ giá bán 3.000-4.000 đồng mỗi bình 12 kg. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm tới nay giá mặt hàng này giảm.