Hỗ trợ về rồi, mua trâu... còn phải tính
- Cập nhật: Thứ năm, 17/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ có trâu, bò thiệt hại trong đợt rét kéo dài đầu năm, trong tháng 6 năm 2008, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã hoàn thành giải ngân số tiền hỗ trợ các gia đình. Hỗ trợ đã về rồi, nhưng việc khôi phục lại đàn trâu bò đối với nhiều hộ lúc này còn phải...tính.
Lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh tặng trâu cho hộ bà Đặng Thị Ních ở thôn Ngòi Ngù, xã Bảo Ái (Yên Bình) bị thiệt hại do rét đậm rét hại đầu năm 2008.
|
Mong mãi cuối cùng số tiền hỗ trợ trâu, bò chết đợt rét đầu năm cũng đến. Cầm số tiền 1 triệu đồng trong tay, anh Hà Văn Sơn (thôn Nậm Đông 1, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ) suy đi tính lại chưa biết phải dùng thế nào cho thật hợp lý. Tiền triệu với một gia đình nông dân như anh Sơn lúc nào cũng quý, đặc biệt lại là lúc này, khi khối gia sản lớn đối với gia đình anh là con trâu, con bò đã mất. Nhưng một triệu bây giờ cũng chỉ bằng 1/6, 1/7 con bò, 1/8, 1/9 thậm chí 1/10 con trâu. Chao ôi, cái mong muốn có lại một con gia súc đối với anh Sơn lúc này sao mà xa vời vợi! Song, nếu không nuôi thêm trâu, bò thì anh Sơn không đành để cả gia đình 4 khẩu chỉ trông vào vài ba sào ruộng, mà phải có trâu để còn cày ruộng, không thì lại phải thuê. Tính đi tính lại, anh Sơn quyết định cóp nhặt tất cả vốn liếng có thể của gia đình được 800.000 đồng, cùng với số tiền được hỗ trợ đem đặt trước một con trâu. "Chắc chắn còn phải vay mượn, cóp nhặt thêm nhiều và phải lâu nữa mới có thể lấy được trâu về. Nhưng nếu không đem đặt trước như vậy thì cũng chẳng biết đời nào mua được. Thôi thì tính lâu dài, đành gác lại khoản nợ 6 triệu đồng ngân hàng vay theo dự án mua trâu bò ngày trước vậy đã"- Anh Sơn tính vậy.
Không phải người nông dân nào cũng tính và làm như anh Sơn. Ông Hà Văn Chài cũng ở Nậm Đông 1 được hỗ trợ 1 triệu đồng từ con bò bị chết, song tiền chưa nóng tay, ông đã phải dùng để trang trải nhiều vào sinh hoạt hàng ngày của gia đình 9 khẩu. Khi được hỏi: "Gia đình có muốn mua lại trâu bò nuôi không?", ông bảo: "Có chứ, muốn lắm, nhà đông người có càng nhiều trâu để chăn nuôi thì càng tốt. Nhưng lấy đâu ra tiền để mua được"- "Nếu giờ tiếp tục được vay với lãi suất ưu đãi thì có vay để mua không?" - "Cũng còn phải tính đã. Gia đình tôi vẫn đang nợ ngân hàng 3 triệu tiền gốc mua trâu đợt trước, hàng tháng vẫn trả lãi. Còn bây giờ kể cả được vay đến 5 triệu thì cũng không biết xoay đâu để bù vào mà mua được".
Cái sự tính của ông Chài cũng là sự tính của nhiều người chăn nuôi lúc này. Trong đợt rét kéo dài đầu năm, xã Nghĩa An, có 70 con trâu, bò của 49 hộ gia đình bị chết. Chủ tịch xã Nghĩa An Nông Văn Tâm cho biết: "Xét trên thực tế địa bàn xã thì có khoảng 30% số hộ không có khả năng phục hồi lại vật nuôi dù nhu cầu nuôi gia súc gia đình nào cũng có. Những hộ nào vẫn còn 1, 2 con thì còn có cơ hội duy trì và chờ vật nuôi sinh sản tiếp. Còn những hộ bị chết hết thì thật khó khăn để có lại trâu bò".
Trên phạm vi toàn thị xã Nghĩa Lộ, đợt hỗ trợ vừa qua có 141 hộ được hỗ trợ với tổng số 241 triệu cho 241 con trâu, bò bị chết. Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hà Đức Thuy cũng nhận định: "Mặc dù đã được hỗ trợ nhưng nhìn chung nhiều hộ chăn nuôi còn nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại đàn vật nuôi. Có khoảng 60-70% hộ gia đình chỉ có duy nhất một con vật nuôi và đã bị chết trong đợt rét. Những gia đình này hầu hết đều thuộc diện khó khăn.
Trước những khó khăn của người dân, Phòng Kinh tế thị xã đã có đề xuất với UBND thị xã về việc tạo điều kiện vốn vay cho người dân có nhu cầu. Được biết, thị xã cũng đã có sự chỉ đạo đối với ngành ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi. Mặt khác, bản thân người chăn nuôi cũng cần phải nỗ lực để tự tạo thêm vốn".
Đúng như nhận định của ông Hà Đức Thuy, ngoài sự nỗ lực của người chăn nuôi, việc tạo điều kiện cho vay vốn đối với những hộ khó khăn là vô cùng cần thiết. Được biết, Chính phủ có quyết định hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/vật nuôi cho các hộ gia đình bị thiệt hại. Những hộ gia đình như anh Sơn vẫn đang rất mong mỏi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ này cũng như mong mỏi được vay vốn ưu đãi để sớm mua được vật nuôi. Mặt khác, từ điều kiện thực tế, nhiều gia đình có mong muốn được vay bằng vật nuôi, bởi với những gia đình này, kể cả được vay ưu đãi một số vốn nhất định thì họ cũng khó có thể tìm cách bù thêm cho đủ mua nổi một con gia súc cung cấp sức kéo.
Người nông dân nơi thị xã còn vậy, huống hồ các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải!
Hạnh-Nga
Các tin khác
Ngày 16-7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về việc áp dụng lãi suất đối với khoản nợ gốc quá hạn.
Từ ngày 1/8, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bắt đầu áp dụng hình thức giảm giá 10-25% cho hành khách mua vé sớm trên tuyến tàu Thống Nhất. Mua vé càng sớm trước ngày khởi hành, mức giảm càng cao.
Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Lào sẽ được giảm thuế 50% hoặc được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
YBĐT - Vụ thu năm 2007 và vụ xuân năm 2008 được sự giúp đỡ của Trung tâm Nghiên cứu phát triển đậu đỗ thuộc Viện Cây lương thực, cây thực phẩm, UBND huyện Trấn Yên (Yên Bái) giao cho Trạm Khuyến nông huyện triển khai trồng thử nghiệm giống lạc L23 bằng phương pháp che phủ nilon và không che phủ nilon với quy mô 5 ha.