Chuyện ghi ở vùng chè Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Không riêng gì vùng chè Trần Phú, mà khắp các vùng chè Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình người làm chè đều gặp phải khó khăn như vậy. Người làm chè vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi doanh nghiệp mua chè lại nợ của dân cả tháng trời.

Giá chè thấp nhưng bà con vẫn phải bỏ công thu hái.
Giá chè thấp nhưng bà con vẫn phải bỏ công thu hái.

Vùng chè Yên Bái rộng gần 13 ngàn ha, nằm ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh nhưng chưa có vùng chè nào là tôi chưa đặt chân tới, từ vùng chè Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn đến vùng chè đặc sản Suối Giàng, những nương chè Shan tuyết Trạm Tấu, Mù Cang Chải…

Mỗi lần trở lại, trong tôi đều mang một tâm trạng khác nhau, lần thì xốn xang bởi dân được mùa, được giá, nhưng phần lớn lại thấy cuộc sống người làm chè nhọc nhằn lắm thay. Các nhà máy năm thì tranh giành nguyên liệu, năm thì khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá nguyên liệu rẻ như cho, lúc lại không có nguyên liệu cho chế biến, các nhà máy, doanh nghiệp lao đao, khốn khó.

Ở vùng chè thị trấn Trần Phú, xã Cát Thịnh huyện Văn Chấn, nơi cách đây trên 30 năm về trước có một nhà máy chế biến chè công suất 40 tấn búp tươi/ngày, lớn nhất nước và là niềm tự hào của Yên Bái. Những hộ dân ở đây đã sống, gắn bó với cây chè và nhà máy  ngần ấy năm, nhưng cuộc sống của họ vẫn đầy khó khăn vất vả, những ngôi nhà lợp cọ siêu vẹo dựa lưng vào các đồi chè, ít thấy bóng dáng có một nhà xây, sự nghèo khó, khắc khổ vẫn hiển hiện trên mỗi khuôn mặt người dân nơi đây!

Vào những, mùa này của vài năm về trước trên các đồi chè hàng chục, hàng trăm người dân, công nhân nhà máy nhộn nhịp thu hái chè bán cho nhà máy. hôm nay vẫn trên các đồi chè ấy, thi thoảng mới thấy bà con nông dân hái chè, làm cỏ, chăm bón cho chè. Đồi chè vẫn xanh, nhưng búp không còn tua tủa, mỡ màng như trước, mà thay vào đó là búp chè nhỏ như que tăm dài lều nghều cả gang tay. Bên cạnh đó, có không ít nương chè để cỏ mọc quá đầu người, nhìn như chè bỏ hoang.

Thật thà lý giải với chúng tôi, chị Hoa - người đang thu hái chè gần đó cho biết: “Giá vật tư phân bón cao quá, giá chè nguyên liệu thấp hơn cả năm ngoái, bình quân 2400 đồng/kg, với giá đó chỉ thu hái mà bán cũng chẳng đủ tiền phân, tiền công thì chăm sóc thu hái làm gì! Trong khi giá cả các mặt hàng đều tăng, doanh nghiệp mua chè lại nợ dân cả tháng trời, người làm chè chúng tôi ăn bằng gì? nhiều hộ dân chúng tôi đang tính bỏ chè, nhưng bỏ thì tiếc, nó đã gắn bó với mình mấy chục năm nay rồi, giầu thì chưa thấy nhưng chắt chiu cũng đủ sống qua ngày. Vả lại, giờ bỏ chè thì biết trồng cây gì đây?”.

Từ đầu năm 2008 đến nay, tình hình lạm phát gia tăng, giá cả hàng hoá tăng đột biến, chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp tăng lên quá cao, đặc biệt là phân bón, thuốc trừ sâu… tăng gấp đôi, gấp ba so với cùng kỳ. Từ những yếu tố đó làm cho giá thành sản xuất tăng theo, trong khi giá thu mua chè của các doanh nghiệp có thời điểm thấp hơn cùng kỳ, cuộc sống người làm chè khó khăn. Việc đầu tư chăm sóc giảm sút, nếu như không muốn nói là không đầu tư khiến năng suất, chất lượng chè giảm cũng là lẽ thường tình.

Không riêng gì vùng chè Trần Phú, mà khắp các vùng chè Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình người làm chè đều gặp phải khó khăn như vậy. Người làm chè vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi doanh nghiệp mua chè lại nợ của dân cả tháng trời. Người dân cứ thu hái, đầu tư thâm canh cũng chết, không thu hái, bỏ chè cũng chẳng song. Doanh nghiệp vẫn một điệp khúc là khó khăn tiêu thụ sản phẩm, thiếu vốn, vốn vay ngân hàng không được, rồi thì chi phí cho sản xuất tăng cao…

Mới đây, đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh có buổi làm việc với 4 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè lớn của tỉnh và huyện Văn Chấn để tháo gỡ khó khăn hiện tại cho sản xuất kinh doanh chè. Trong các buổi làm việc, Giám đốc Công ty Cổ phần chè Phú Tân, Công ty Cổ phần chè Trần Phú, Công ty Cổ phần chè Nghĩa Lộ và Công ty Cổ phần chè Liên Sơn đều báo cáo công ty mua chè búp cho dân với giá trên 3 ngàn đồng/kg.

Bản thân các vị giám đốc công ty chè cũng khẳng định là với giá mua 3 nghìn đồng/kg, người làm chè vẫn có cuộc sống ổn định, nhưng với điều kiện là đầu tư chăm sóc để chè đạt năng suất 12 tấn/ha. Doanh nghiệp nói là mua với giá 3 ngàn đồng/kg chè búp, nhưng từ nhà máy đến vùng nguyên liệu giá đã “rơi” còn 2.200-2.400 đồng/kg.

Và cũng xin thưa, năng suất chè ở Yên Bái hiện nay mới bình quân 6 tấn/ha, nơi nào tốt cũng chỉ đạt trên 7 tấn mà thôi. Việc doanh nghiệp thiếu vốn ư! Không hoàn toàn như vậy, đành rằng có thiếu nhưng không đến nỗi trầm trọng, điều đó được lý giải bằng chính những con số mà doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng đều đạt trên 90% vốn vay theo hạn mức.

Qua trao đổi với chúng tôi, ông Hà Hữu Tứ - Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái cho biết: “Đành rằng ngành ngân hàng đang phải thực hiện “thắt chặt” tiền tệ để giảm lạm phát, nhưng trong lúc khó khăn này, nhất là đối với các doanh nghiệp chè ngân hàng vẫn có đủ vốn cho vay đáp ứng sản xuất kinh doanh. Miễn sao doanh nghiệp phải đầy đủ thủ tục theo quy định”.

Ông Nguyễn Vĩnh Thịnh - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Các doanh nghiệp chè đều đã được ngân hàng giải ngân đạt trên 90% hạn mức vay, để tháo gỡ khó khăn, ngân hàng tiếp tục tăng hạn mức vay cho các doanh nghiệp chè thêm 20 tỷ đồng nữa”. Công ty Cổ Phần chè Liên Sơn còn bán hàng nợ cho khách hàng với số tiền trên 6 tỷ đồng, các công ty khác cũng đều báo cáo cho khách hàng nợ một hai tỷ đồng. Rõ ràng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè không phải là quá “đói” vốn và phải chăng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè “đang bắt chẹt dân”, mượn cớ không vay được vốn để chiếm dụng vốn của dân?

Tại sao vùng chè cứ ì ạch, năm lao đao, năm khốn đốn như vậy mãi? Sẽ chẳng có một câu chuyện thần kỳ nào, một câu thần chú nhiệm mầu nào đối với sản xuất kinh doanh chè cả. Bởi lẽ những người dệt nên câu chuyện thần kỳ đó là các doanh nghiệp, vẫn cách nghĩ, cách làm ăn kiểu “giật gấu, vá vai”, manh mún, tham bát bỏ mâm và chỉ nhằm nhằm cái lợi trước mắt.

Tỉnh Yên Bái đã có các Nghị quyết, đề án khá hoàn chỉnh từ hơn 2 năm nay, nhưng việc thực hiện nó xem ra còn là cả một vấn đề, huyện nào cũng báo cáo trồng cải tại cả trăm ha, tiền đầu tư cũng hàng chục tỷ đồng cả. Nhưng có cải tạo, có trồng giống gì đi chăng nữa mà các doanh nghiệp không đổi mới công nghệ, sản xuất chè thành phẩm, chè tinh mà cứ sản xuất bán chè thô như hiện nay thì mọi sự đầu tư cho vùng nguyên liệu cũng bằng không.

Đã qua hơn hai năm, chưa có một doanh nghiệp nào đầu tư đổi mới công nghệ chế biến chè tinh, chè thành phẩm đáng đồng tiền bát gạo cả. Máy móc, công nghệ đã vậy, đến chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất kinh doanh cũng không có, sự liên minh “công nông” vẫn chưa chung nhịp cầu. 

Giải quyết tốt các vấn đề nêu trên mới có hy vọng vực dậy và đưa sản xuất, kinh doanh chè phát triển đủ mạnh và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn ở tỉnh vùng cao Yên Bái.

Thanh Phúc       

Các tin khác
Diễn biến tỷ giá hiện cho thấy trạng thái và cung cầu ngoại tệ tại các ngân hàng đang dần ổn định.

Vụ quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng và dự kiến năm nay có thể đạt tới 8 tỷ USD, tăng khoảng 60% so với năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký Quyết định số 64 sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng sắt thép không hợp kim.

YBĐT - Năm 2008, dự toán thu ngân sách trên địa bàn huyện Trấn Yên được tỉnh Yên Bái giao là 14,95 tỷ đồng; HĐND huyện ra nghị quyết phấn đấu thu 16,73 tỷ đồng, tăng so với kế hoạch tỉnh giao là 1,78 tỷ (trong đó tăng thu cân đối 850 triệu và thu phản ánh qua ngân sách 930 triệu).

Đó là kết luận mới nhất của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình sản xuất kinh doanh của Vinashin. Phó Thủ tướng cũng đồng thời yêu cầu Vinashin đình hoãn các dự án không phục vụ cho hoạt động chính, chỉ tập trung các dự án trọng điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục