Kho bạc Nhà nước Yên Bái: Với việc triển khai Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010)

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sau hai năm triển khai, Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh đã thu được một số kết quả đáng khích lệ, từng bước phát huy được vai trò tự lực, tự cường của các hộ nghèo và toàn thể cộng đồng vươn lên thoát nghèo, gắn quyền lợi, trách nhiệm của đồng bào các dân tộc vào việc tham gia thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Nội dung cơ bản chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, giai đoạn 2006-2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II) theo Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ được thể hiện trên 4 nhiệm vụ, đó là: hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật.

Sau hai năm triển khai, Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh đã thu được một số kết quả đáng khích lệ, từng bước phát huy được vai trò tự lực, tự cường của các hộ nghèo và toàn thể cộng đồng vươn lên thoát nghèo, gắn quyền lợi, trách nhiệm của đồng bào các dân tộc vào việc tham gia thực hiện chương trình. Đã thực hiện cấp phát 152 dự án công trình với tổng số tiền 82.341 triệu đồng, trong đó đầu tư được 36 công trình thủy lợi; 19 công trình đường điện và trạm biến áp 35/0,4KV; 79 công trình đường giao thông; 21 công trình trường học; 1 trạm y tế và 02 công trình chợ; mở 53 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng với 2.468 học viên; 18 lớp tập huấn cơ chế 135 giai đoạn II cho 849 học viên là cán bộ quản lý, chỉ đạo cấp huyện và cán bộ xã và trưởng thôn bản; 2 dạy nghề sơ cấp kỹ thuật xây dựng cho 68 học viên; 2 lớp sơ cấp kỹ thuật điện cho 52 học viên; 2 lớp đào tạo y tá thôn, bản cho 80 học viên, tất cả các học viên là lao động trẻ ở các thôn, bản; lập mới, điều chỉnh quy hoạch xây dựng công trình cơ sở hạ tầng cho 53 xã; hỗ trợ xây dựng 39 nhà cộng đồng thôn; hỗ trợ giống cây trồng đạt giá trị 704 triệu đồng; 473 tấn vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y..., 304 con giống vật nuôi trâu, bò, lợn, 3.153 máy móc, thiết bị công cụ; xây dựng được 60 mô hình phát triển sản xuất, 149 lớp hỗ trợ chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật.

Để đạt được những thành tích đó, phải kể đến những đóng góp của đội ngũ cán bộ Kho bạc Nhà nước (KBNN), đã năng động và tâm huyết với nghề nghiệp, sáng tạo làm việc với tinh thần trách nhiệm cao; quản lý có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước phục vụ khách hàng nhân dân nhanh chóng kịp thời; giúp đỡ giải quyết những vướng mắc trong đầu tư xây dựng. Tập thể cán bộ, công chức KBNN Yên Bái luôn có tính đoàn kết thống nhất cao, luôn tự rèn luyện, không ngừng nâng cao về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp văn minh, lịch sự, vừa công tác vừa học tập nâng cao trình độ. Công tác ứng dụng tin học và nghiệp vụ kho bạc luôn được nâng cao và hoàn thiện để đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của ngành. Cán bộ luôn có thái độ đúng mực, nhiệt tình và giữ được chữ “tín” với khách hàng và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Kết quả đạt được là cơ bản, tuy nhiên, qua hai năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II cho thấy, các nhiệm vụ của chương trình chưa được thực hiện đồng bộ còn nặng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nhiệm vụ hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật chưa được quan tâm đúng mức.

Việc tuyên truyền, vận động người dân biết và tự nguyện tham gia dự án vì lợi ích của cộng đồng do dự án mang lại cũng như gắn với quyền lợi người tham gia dự án chưa được tiến hành thường xuyên. Việc huy động và hình thức tổ chức cho người dân tham gia thực hiện các công việc thủ công ít được quan tâm, đại đa số các chủ đầu tư phải thuê doanh nghiệp thi công phần lớn khối lượng công việc. Sự phối hợp giữa các ngành thành viên ban chỉ đạo chưa nhịp nhàng, thiếu thông tin hai chiều, thiếu đánh giá nhận định tình hình của cơ sở.

Từ những kết quả và những vấn đề còn tồn tại nêu trên, có thể rút ra 4 bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt Chương trình 135 giai đoạn II Đó là:
Cần phân định rõ nguồn kinh phí Chương trình 135 giai đoạn II so với tổng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu; quy định chi tiết nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển cũng như nguồn vốn sự nghiệp. Làm được như vậy sẽ giúp cho đơn vị thực hiện tránh được việc chi sai nguồn, sai mục đích, sai đối tượng.
Ban chỉ đạo 135 tỉnh và huyện cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa; chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, chính sách của chương trình; nghiên cứu, nắm chắc điều kiện, môi trường sống và tình hình dân cư (số lượng dân, vị trí địa lý, trình độ, dân trí, tập quán canh tác, sinh hoạt...) để quyết định danh mục đầu tư và định lượng giá trị đầu tư cho mỗi dự án, công trình bảo đảm phù hợp, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí.

Các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình cần được ban hành kịp thời và đồng bộ giúp cho cơ sở triển khai nhiệm vụ được nhanh chóng, tránh chờ đợi văn bản hướng dẫn. Cần xây dựng được cơ chế chính sách bảo trì công trình sau khi hết thời hạn bảo hành.

Các cấp các ngành cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện dự án. Chú trọng nâng cao trình độ, kiến thức về khuyến nông, khuyến lâm và kỹ năng tiếp cận về trình tự, thủ tục và cách thức quản lý, tham gia dự án đầu tư; kinh nghiệm tổ chức điều hành dự án, phương pháp thuyết phục người dân tham gia có hiệu quả chương trình, dự án mà Nhà nước đầu tư.

Chương trình 135 được thực hiện tốt sẽ là cơ hội tạo tiền đề vật chất để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực cho công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Yên Bái.

Nguyễn Văn Kha

Các tin khác

Chưa áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với hợp đồng xuất khẩu gạo có giá xuất khẩu theo giá FOB ở mức dưới 800 USD/tấn.

YBĐT - Chỉ cách đây vài năm về trước cuộc sống của trên 1.700 hộ dân Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) gặp nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng họ quanh năm ngày tháng.

Công nhân Điện lực Yên Bái lắp đặt đường điện tại Km5 thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Nâng cao sản lượng điện thương phẩm, giảm tổn thất điện năng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động điện lực của Điện lực Yên Bái năm 2008. Đây là điểm nhấn quan trọng được cụ thể hóa bằng những giải pháp cụ thể tại hội nghị triển khai công tác năm 2008.

Người nông dân sẽ có thêm vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp

Góp phần thực hiện hiệu quả chính sách nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) của Đảng và Nhà nước, ngày 5/8/2008, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã công bố dành thêm 10.000 tỷ đồng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu cho thu mua lương thực, nông thủy sản, phân bón và phát triển kinh doanh của các hộ sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục