Thủ tướng: Sẽ giảm dần lãi suất ngân hàng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/8/2008 | 12:00:00 AM

Tại buổi làm việc giữa Chính phủ với lãnh đạo các tập đoàn, TCT nhà nước ngày 8/8, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn nói: "Không để bất kỳ tổ chức tín dụng nào đổ vỡ".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Nhiệm vụ của DNNN vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệm vụ kinh tế".

Cuộc gặp nhằm đánh giá tình hình hoạt động của các tập đoàn, TCT 7 tháng đầu năm và bàn cách gỡ vướng khó khăn cho 5 tháng còn lại.

Kiên trì với con đường thị trường

Chia sẻ với "nhiệm vụ kinh tế, chính trị" mà khu vực DNNN đã gánh vác trong 7 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Tuy DN  kinh doanh trong điều kiện khó khăn nhưng đã giữ được vai trò chủ lực để Chính phủ có thể can thiệp bình ổn được thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô. Bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế như điện, xăng dầu, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh, dịch vụ vận tải".

Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Phạm Viết Muôn tóm lược, các TCT lương thực 2 miền đã bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước, chủ động thu mua gạo xuất khẩu, ứng phó với tin đồn thất thiệt về tăng giá.

Tập đoàn Than - Khoáng sản VN ổn định giá bán than cho các hộ tiêu thụ lớn. EVN đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, quyết liệt giảm tổn thất điện năng. Tập đoàn Dầu khí tiếp tục nộp ngân sách ở mức cao. Các TCT: Đường sắt và Hàng không đã không tăng giá vé.

Tuy nhiên, vì chia sẻ với Chính phủ mục tiêu "thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát" nên DN lao đao không ít do thiếu vốn. "Sự không ổn định của thị trường tiền tệ, lãi suất vay ngân hàng tăng cao ảnh hưởng không ít đến hiệu quả kinh doanh", ông Muôn nói.

Tổng GĐ EVN "than thở": "Dự định việc cổ phần hoá các DN năm 2008 sẽ thu về khoảng 7.000 tỷ đồng nhưng từ đầu năm đến nay vẫn chưa bán được đồng nào". EVN và Tập đoàn Dầu khí đã chậm hoàn thành một số dự án sản xuất điện theo kế hoạch.

"Nhiệm vụ quan trọng của các tập đoàn, TCT, DNNN là kìm giữ giá. Vừa qua, không có các tập đoàn, TCT thì mục tiêu bình ổn giá khó lòng đạt được. Nhưng cho đến nay, dư luận đều cho rằng đây là tội đồ gây nên lạm phát", Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà "ấm ức" than.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói, vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, phải hy sinh về giá cả nên nhiều mặt hàng phải điều hành phi thị trường, nhưng về lâu dài, phải kiên trì con đường thị trường, trước mắt với xăng dầu, sau đó sẽ đến than, điện.

Vốn hàng nghìn tỷ, lập dăm ba ngân hàng cũng không sao

Thiếu điện sản xuất, cắt điện không báo trước gây ảnh hưởng sản xuất là quan ngại chung của lãnh đạo các DNNN bên cạnh lo âu về lãi suất.

Đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản VN than phiền: "Kể cả khi cắt điện báo trước hay cắt đột ngột thì chúng tôi đều phải đưa công nhân từ dưới hầm mỏ lên. Mỗi lần như vậy, lại đi bộ hàng vài km. Lên rồi, có điện, lại xuống, ảnh hưởng không nhỏ đến khai thác".

Tổng GĐ EVN lại phản ánh: "Việc dùng điện lãng phí gây thiếu điện như vậy là do cơ chế giá hiện nay không khuyến khích tiết kiệm. Nhà đầu tư nước ngoài thì đưa công nghệ cũ vào để tận dụng điện giá rẻ. Người dân thì tiêu dùng lãng phí". Ông này kiến nghị phải sớm xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường. Về phía EVN, sắp tới sẽ đưa 3, 4 nhà máy thuỷ điện vào vận hành, đảm bảo đủ điện cho năm 2009.

"Từ nay đến cuối năm, cố gắng đảm bảo chỉ tiêu về điện, giải quyết khó khăn lớn nhất hiện nay", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở.

Liên quan đến vấn đề đầu tư ngoài lĩnh vực chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Đinh La Thăng cho rằng, việc đầu tư vẫn hiệu quả, không đến mức làm biến dạng nền kinh tế như dư luận lo ngại. "Kinh doanh bất động sản, chẳng lẽ chỉ có tư nhân mới được làm. Cái gì có lợi, có hiệu quả thì phải làm chứ", ông Thăng nói.

Đại diện Tập đoàn Cao su VN đồng tình: "Dành một tỷ lệ nhất định sang chứng khoán, ngân hàng nhằm phục vụ mục tiêu tài chính thì không vấn đề. Chẳng hạn, dầu khí, doanh thu hàng ngàn tỷ, nếu có tham gia lập một vài ngân hàng cũng không đáng ngại so với các DN vốn dăm ba tỷ".

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: "NQ TƯ 3 nói cho phép kinh doanh đa ngành, trong đó duy trì tốt ngành nghề chính nhưng nếu bỏ vốn vào ngân hàng, chứng khoán là phải báo cáo Thủ tướng với tư cách chủ sở hữu".

Theo Thủ tướng, hiện nay đang có quá nhiều ngân hàng, thậm chí có tập đoàn đang tham gia đến 4, 5 ngân hàng khác nhau. Trong khi đó, khu vực DNNN đang có những hạn chế về năng lực quản trị, nguồn nhân lực...

Giảm lạm phát, sẽ giảm dần lãi suất ngân hàng

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn cảnh báo: "Không để bất kỳ tổ chức tín dụng nào đổ vỡ". Theo ông, chi phí trả cho lãi suất là sống còn cho DN, nhất là trong bối cảnh "lạm phát lên, lãi suất tăng theo". Ông Tuấn cũng nói, với mặt bằng lãi suất mới, chưa chống được lạm phát thì sản xuất đã trì trệ.

Trước đó, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cũng nói, nếu DN phá sản, ngân hàng cũng có nguy cơ đổ vỡ theo.

Ông Hà kiến nghị: "Làm sao để lãi suất thấp hơn cho  DN đủ vốn sản xuất”. Thiếu vốn, không ít DN đã lấn vào vốn sở hữu.  Theo ông này,  NHNN nên hỗ trợ cho DN, sao cho mức lãi suất xuống ở mức 16,5%. Nguồn tiền cần “bơm” ra khoảng 10 - 15 ngàn tỉ đồng.

Ông Hà đề xuất việc kiểm soát tín dụng, bởi có hiện tượng các ngân hàng nhỏ tuy dư vốn nhưng không tập trung hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu mà dùng nguồn tiền này để kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, lãi suất của ngân hàng phải giảm dần theo giá cả. "Giảm lãi suất là chia sẻ trách nhiệm với nền kinh tế và với doanh nghiệp", ông Dũng nói.

Còn theo ông Nguyễn Sinh Hùng, DNNN phải lo tính toán đầu tư hiệu quả. Chính phủ sẽ bảo đảm vốn.  "Khi lạm phát xuống, sẽ giảm dần lãi suất ngân hàng", ông Hùng nói.

(Theo VietNamNet) 

Các tin khác

YBĐT - Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt 5,8%, tổng sản lượng lương thực đạt trên 38.600 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 331 kg/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng/người/năm... góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra trong năm là 12,2%, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có nhiều giải pháp tích cực để triển khai cụ thể trong lĩnh vực này và bước đầu đã đạt được kết quả khả quan.

YBĐT - Sau hai năm triển khai, Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh đã thu được một số kết quả đáng khích lệ, từng bước phát huy được vai trò tự lực, tự cường của các hộ nghèo và toàn thể cộng đồng vươn lên thoát nghèo, gắn quyền lợi, trách nhiệm của đồng bào các dân tộc vào việc tham gia thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Chưa áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với hợp đồng xuất khẩu gạo có giá xuất khẩu theo giá FOB ở mức dưới 800 USD/tấn.

YBĐT - Chỉ cách đây vài năm về trước cuộc sống của trên 1.700 hộ dân Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) gặp nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng họ quanh năm ngày tháng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục