Nhập khẩu xăng dầu bắt đầu có lãi
- Cập nhật: Thứ năm, 14/8/2008 | 12:00:00 AM
Giá dầu thế giới hạ nhiệt trong hai tuần liên tiếp và chỉ còn khoảng 111 USD mỗi thùng, giúp các nhà nhập khẩu trong nước lãi khoảng 4.500 -5.000 đồng cho mỗi lít xăng A92. Tuy nhiên, chưa đơn vị nào đề cập đến chuyện giảm giá bán lẻ vào thời điểm này.
Các hãng taxi kêu khó vì giá xăng tăng.
|
Tại thị trường Singapore - nơi cung cấp xăng dầu chủ yếu cho thị trường Việt Nam, chiều tối qua, giá xăng A92 tiếp tục giảm nhẹ và chỉ còn 110 USD một thùng, giảm gần 20 USD một thùng so với thời điểm giá bán lẻ được điều chỉnh từ 14.500 lên 19.000 đồng. Giá dầu DO thành phẩm cũng giảm mạnh và chỉ còn 133 USD mỗi thùng.
Theo tính toán của các nhà nhập khẩu đầu mối, với giá bán này, sau khi cộng thêm các khoản như lệ phí giao thông 500 đồng một lít, chi phí bến bãi, bán hàng khấu hao... giá bán đến tay người tiêu dùng có thể vào khoảng 14.000 đồng. Như vậy, nếu doanh nghiệp kịp đưa hàng về Việt Nam trong thời điểm này, mỗi lít xăng A92 sẽ lời được khoảng 4.500 - 5.000 đồng và khoảng 2.000 đồng cho mỗi lít dầu.
Trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu đang ngày càng đắt đỏ, người tiêu dùng lại được dịp khấp khởi hy vọng, giá bán lẻ xăng trong nước sẽ dễ thở hơn. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên báo chí, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu lại đưa ra lý lẽ riêng.
Phó tổng giám đốc Petrolimex - Vương Thái Dũng nhìn nhận giá dầu thế giới giảm mạnh là tín hiệu mừng cho các nhà nhập khẩu trong nước. Song theo ông, giá thế giới giảm mạnh nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn chưa được hưởng lãi vì lượng hàng tồn trong kho còn quá nhiều. Chỉ tính riêng Petrolimex, phải mất 30 ngày nữa mới tiêu thụ hết lượng xăng trong kho. Lượng hàng tồn này được nhập khẩu tại thời điểm giá thế giới đứng ở mức cao, 130 USD thậm chí 145 USD một thùng. Chính vì thế mà trong 7 tháng đầu năm, Petrolimex vẫn lỗ 15.000 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng xăng là 900 tỷ.
"Tuy nhiên, chúng tôi đang bám sát diễn biến thị trường để kiến nghị cơ quan chức năng điều chỉnh giá bán lẻ trong nước phù hợp với diễn biến thị trường", ông Dũng nói.
Một quan chức của Công ty Xăng dầu Quân đội thừa nhận nếu doanh nghiệp nào nhập khẩu hàng về thời điểm này thì chắc chắn lãi. Tuy nhiên lượng hàng trong kho với giá cao tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều, do vậy khả năng hưởng lợi từ giá thế giới là không lớn.
"Hiện tại chúng tôi kinh doanh theo kiểu lấy chỗ nọ bù vào chỗ kia để giảm bớt cho những tháng bị lỗ nặng", một quan chức của Công ty Xăng dầu Quân đội nói.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng kinh doanh lỗ lãi ra sao phụ thuộc vào sự tính toán của mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhập tồn một lượng hàng lớn trong kho với giá cao đó là do không nắm bắt được diễn biến của thị trường.
"Đây là lỗi của các nhà nhập khẩu chứ không phải người tiêu dùng. Không thể lấy lý do lượng hàng trong kho còn nhiều, doanh nghiệp lỗ để "phớt lờ" quyền lợi người tiêu dùng", một chuyên gia kinh tế nói.
Đồng tình với quan điểm này Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - Đỗ Quốc Bình cho rằng mấy ngày qua hầu hết các hãng taxi tại Hà Nội đều trông chờ vào động thái từ các công ty xăng dầu. "Chúng tôi hy vọng khi dầu thế giới hạ nhiệt, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh theo", ông Bình nói.
Theo ông, lần điều chỉnh giá xăng bán lẻ mới đây khiến hầu hết các doanh nghiệp taxi đều rơi vào cảnh khó khăn, càng chạy - càng lỗ. Giá xăng dầu tăng tới 32% nhưng các hãng taxi chỉ được nâng cước thêm chút ít. Hầu hết các hãng đều tiết giảm chi phí, thế nhưng vẫn xảy ra một số vụ đình công của giới tài xế.
Ông Bình cho rằng xăng dầu cần được vận hành theo cơ chế thị trường, có lên có xuống. Khi giá thế giới tăng, người tiêu dùng chung tay chia sẻ với Nhà nước, doanh nghiệp, và chấp nhận mức tăng tới 4.500 đồng một lít xăng, thì đổi lại khi giá giảm, họ cũng được chia sẻ chút quyền lợi.
"Nếu giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh, người tiêu dùng sẽ cảm thấy sòng phẳng hơn và các thành viên trong hiệp hội của chúng tôi chẳng có lý do gì mà không lập tức giảm cước", ông Bình nói.
Nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận Tải VN - Nguyễn Võ Liễu thì cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, Chính phủ chắc chắn sẽ có sự cân nhắc nhất định đối với giá nhiều nhóm mặt hàng. "Mục tiêu hiện nay là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng cơ quan quản lý sẽ sử dụng nhiều giải pháp để điều tiết thị trường. Trong đó việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu cũng là một công cụ điều tiết phù hợp", ông Liễu nói.
Trao đổi với phóng viên báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa cũng thừa nhận những tín hiệu đáng mừng từ thị trường thế giới. Tuy nhiên ông cho rằng mọi việc vẫn cần tính toán thận trọng và cần theo dõi thêm một thời gian nữa để có phương án xử lý phù hợp.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
YBĐT - Do ảnh hưởng của hoàn lưu Cơn bão số 4, ngoài việc thiệt hại lớn về người, nhà cửa, công trình giao thông, thủy lợi... Yên Bái còn thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông - lâm nghiệp.
Sau hơn 5 ngày bị gián đoạn do thiên tai làm sạt lở gây ách tắc, vào 22 giờ 55 phút ngày 12/8, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã thông. Đúng 8 giờ 30 phút sáng nay 13/8, đoàn tàu LC11 đã cập sân ga Lào Cai, trả khách đúng địa điểm, an toàn.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đang xây dựng đề án áp dụng cước điện thoại nội hạt nội tỉnh giữa các huyện trong một tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.
YBĐT - Tới chiều 12.8, toàn tỉnh Yên Bái đã có 104 cột điện cao thế, hạ thế bị đổ, không bảo đảm vận hành; nhiều máy biến áp, chống sét cao thế vô hiệu hoá; trên 5.700 công tơ bị hỏng; số lượng dây dẫn, xà hỏng và sứ vỡ chưa xác định được. Hầu hết các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ đã có sự cố và mất điện.