Văn Chấn: Hiệu quả của dự án giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi
- Cập nhật: Thứ hai, 25/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2005 huyện Văn Chấn (Yên Bái) triển khai dự án giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi (PALD) do tổ chức Thú y không biên giới của Thụy Sỹ hỗ trợ một phần kinh phí mua con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.
Phụ nữ người Mông đã chú trọng phát triển chăn nuôi lợn để xóa đói giảm nghèo.
|
Trong những năm qua tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở Văn Chấn (Yên Bái) có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn gần 30%. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo có hiệu quả, bên cạnh việc thực hiện các chương trình dự án giảm nghèo khác, năm 2005 huyện triển khai dự án giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi, (viết tắt là PALD) do tổ chức Thú y không biên giới của Thụy Sỹ hỗ trợ một phần kinh phí mua con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.
Xác định đây là dự án mang tính chiến lược giúp người dân xóa đói giảm nghèo, huyện đã thành lập Ban điều hành dự án do Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và giao cho Hội Phụ nữ kết hợp với ngành Thú y tổ chức tuyên truyền vận động tới mọi người dân có cùng sở thích chăn nuôi lợn nái sinh sản giống Móng Cái và nuôi gà thả vườn.
Hội Phụ nữ huyện cùng với cán bộ dự án tổ chức khảo sát, tìm hiểu nhu cầu người nông dân, đồng thời triển khai các bước của dự án. Công việc đầu tiên là tiến hành điều tra trực tiếp hiện trạng các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện, qua đó xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi trình UBND huyện phê duyệt. Hội Phụ nữ huyện và Ngân hàng Chính sách Xã hội thống nhất nguồn vốn cho người dân vay, sau đó thông tin cho người dân biết để thành lập nhóm chăn nuôi cùng sở thích và thống nhất quy chế hoạt động.
Các hộ tham gia dự án tập huấn kiến thức về phương pháp xây dựng chuồng trại hợp lý; cách chăm sóc nuôi dưỡng theo từng giai đoạn từ khi bắt đầu chăn nuôi đến khi xuất chuồng.
Để dự án có tính khả thi, mỗi xã thành lập một nhóm chăn nuôi cùng sở thích và bầu ra nhóm trưởng, nhóm phó, xây dựng quy chế hoạt động riêng đảm bảo tính dân chủ. Tháng 11 năm 2006, dự án bắt đầu triển khai ở 2 xã Cát Thịnh và Nghĩa Tâm với tổng số 113 con lợn nái Móng Cái. Năm 2007 tiếp tục triển khai ở 8 xã, thị trấn với 376 con, sau đó triển khai tiếp ở 2 xã Đại Lịch và Chấn Thịnh với 111 con, nâng tổng số đàn lợn lên 600 con nuôi tại 12 xã, thị trấn, tập trung chủ yếu tại các xã Chấn Thịnh 86 con, Cát Thịnh 60 con, Tân Thịnh 57 con, Hạnh Sơn 53 con...
Tính đến hết tháng 7/2008 số lợn nái sinh sản lần 1 là 210 con, sinh sản lần 2 là 120 con với tổng số 3.135 con lợn con, trung bình 9,5 con/1 lứa; trọng lượng bình quân của lợn con sau cai sữa đạt từ 12 đến 15 kg/1 con.
Mỗi hộ chăn nuôi lợn nái được vay 1 triệu đồng/1 con, nuôi lợn đực giống được vay 3 triệu đồng/1 con, chăn nuôi gà được vay 1 triệu đồng. Dự án đã tổ chức 31 lợp huấn cho trên 18 nghìn lượt thành viên. Các nhóm chăn nuôi còn thành lập được quỹ rủi ro, trong trường hợp lợn bị chết sẽ được hỗ trợ 300 nghìn đồng cho các gia đình mua con giống mới.
Qua hạch toán kinh tế, lứa lợn thứ nhất ở hộ gia đình bà Nguyễn Thị Biển xã Cát Thịnh từ 2 con lợn nái ban đầu đẻ 2 lứa bán được 12 triệu 360 nghìn đồng, trừ chi phí trên 3,2 triệu đồng, để mua thức ăn, thuốc thú y, tiền lãi ngân hàng, khấu hao chuồng trại con giống... còn lãi trên 9 triệu đồng. Hoặc hộ bà Triệu Thị Thoa cũng ở xã Cát Thịnh nuôi 1 con lợn nái đã đẻ 2 lứa bán được gần 13 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 8 triệu đồng. Đối với xã Sơn Thịnh vay 95 triệu đồng đầu tư nuôi 53 con, đến nay 43 con đã sinh sản lần 1 được 209 con lợn con. Chị Hà Thủy Tiên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Thịnh cho biết: sau khi lợn sinh sản bán đi trả được gốc và lãi ngân hàng còn lãi con mẹ và 2 con lợn con.
Đối với mô hình chăn nuôi gà an toàn triển khai điểm ở xã Thượng Bằng La từ quý 4 năm 2007, xã có 45 hộ nuôi gần 2.600 con giống gà ri lai Lương Phượng. Từ khi gà nuôi giống đến khi xuất bán đạt tỷ lệ 95%, trọng lượng bình quân sau 3 tháng nuôi đạt 1,6kg/con. Theo hạch toán sơ bộ nếu mỗi hộ nuôi 50 con sau khi trừ các loại chi phí thu nhập 700 nghìn đồng/tháng. Trong quá trình triển khai, dự án cho các hộ gia đình vay 169 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 844 triệu đồng.
Dự án phân công 3 cán bộ thực địa chỉ đạo 3 vùng phối hợp với cán bộ thú y cơ sở thường xuyên kiểm tra tư vấn cho hộ chăn nuôi và tiêm phòng dịch theo định kỳ. Cán bộ Hội Phụ nữ cũng theo dõi nắm bắt tình hình để kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.
Bà Hà Thị Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn cho biết: để có được hiệu quả như trên, trước hết là có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên có liên quan trong dự án; việc đưa giống lợn nái Móng Cái vào chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của phụ nữ nói riêng và nông dân nói chung; chất lượng giống tốt dễ nuôi dễ bán; hơn nữa người chăn nuôi được tư vấn cụ thể, tuân thủ theo kỹ thuật đã được hướng dẫn...
Như vậy, sau hơn 1 năm triển khai trên diện rộng dự án chăn nuôi lợn nái và nuôi gà thả vườn bước đầu đã mang lại hiệu quả, người dân không những được hưởng lợi về kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật mà còn được tiếp cận với dịch vụ thú y và dịch vụ tín dụng. Trung bình mỗi hộ nuôi lợn thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng/1 lứa, hộ nào nuôi nhiều thu nhập sẽ cao hơn.
Trong quý I năm 2008, dự án tiếp tục triển khai ở 9 xã, thị trấn với tổng số 436 hộ tham gia nuôi 410 con lợn nái và 20 xã được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà. Dự kiến trong quý 3 năm 2008 sẽ triển khai tiếp ở xã Suối Bu, nhằm từng bước chuyển giao mô hình kinh tế và phương pháp tiên tiến mới vào sản xuất, góp phần giúp hộ đồng bào dân tộc các xã vùng cao phát triển kinh tế.
Ngọc Lan
Các tin khác
YBĐT - Một năm qua, Phòng Giao dịch "Một cửa" của Chi cục Thuế Lục Yên (Yên Bái), luôn bận rộn với việc tư vấn cho khách hàng, về những thủ tục hành chính thuế, nghiệp vụ kế toán và nhiều nội dung khác, liên quan đến thu nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế...
Trước tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu thời gian gần đây tái diễn và có chiều hướng gia tăng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tập trung kiểm tra quyết liệt và toàn diện tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vừa có công văn gửi Tổng công ty Ximăng Việt Nam về việc điều chỉnh giá bán ximăng do biến động của thị trường xăng dầu.
Bộ Xây dựng đang soạn thảo nghị định sửa đổi NĐ 126 bổ sung thêm phần xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh BĐS, trong đó có hành vi bán nhà trên giấy, trình Chính phủ và dự kiến ban hành cuối năm 2008.